2 nhà lãnh đạo Tập và Putin đã chứng kiến khoảng 30 ký kết sau cuộc hội đàm hôm 5/6, bao gồm một thỏa thuận cho tập đoàn viễn thông Huawei - DN đang phải đối mặt với lệnh cấm của Mỹ trong việc triển khai mạng 5G - để bắt đầu thí điểm tại một số khu vực ở Nga với hãng Mobile TeleSystems.
Moscow và Bắc Kinh thời gian qua đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế và quốc phòng, phối hợp chặt chẽ hơn trong các vấn đề quốc tế lớn như Syria, Iran và Triều Tiên, đặc biệt là giữa bối cảnh thống trị toàn cầu của Mỹ. Thương mại song phương năm ngoái giữa 2 nước tăng khoảng 1/4, lên mức kỷ lục 108 tỷ USD. Các đường ống khí đốt tự nhiên đầu tiên giữ 2 quốc gia sẽ được khai trương vào cuối năm nay, trong khi Trung Quốc đang đầu tư vào dự án LNG của Nga ở Bắc Cực.
Bloomberg dẫn lời lãnh đạo Trung tâm Carnegie Moscow, thuộc Chương trình châu Á -Thái Bình Dương tại Nga, Alexander Gabuev, nhận định, Trung Quốc coi Nga là một nước láng giềng vũ trang hạt nhân lớn, thân thiện, đồng thời là nguồn cung cấp vũ khí và năng lượng quan trọng. Trọng tâm của Bắc Kinh đối với Moscow đã tăng lên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền với chính sách nhiều phần cứng rắn.
"Tuy nhiên, Nga thậm chí còn cần Trung Quốc nhiều hơn thế", ông Gabuev nhận định. Mặc dù vẫn còn hạn chế bởi sự mất cân đối lớn về quy mô của các quốc gia, nền kinh tế của Nga đã cố gắng thu hút thêm đầu tư và thương mại của Trung Quốc để bù đắp cho mối quan hệ đổ vỡ với phương Tây kể từ xung đột với Ukraine năm 2014. Thương mại với Nga do Trung Quốc nắm giữ đã tăng gần gấp đôi lên 20% so với trước đó. Khoảng 1.000 quan chức và giám đốc điều hành doanh nghiệp Trung Quốc dự kiến sẽ tham dự Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg cuối tuần này, để trở thành phái đoàn nước ngoài lớn nhất tại đây.
Đáng chú ý, ông Tập đã mang theo quốc bảo Trung Quốc, 2 con gấu trúc, làm quà tặng cho sở thú Moscow. Sau khi dự lễ khai trương một nhà máy ô tô Trung Quốc hôm thứ 4, Chủ tịch Trung Quốc hôm nay sẽ khởi hành tới quê nhà St. Petersburg của ông Putin.