70 năm giải phóng Thủ đô

Thương mại điện tử đưa nông sản Việt vươn xa

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thương mại điện tử đã và đang là kênh tiêu thụ nông sản phù hợp với xu thế trong giai đoạn hiện nay. Đây là cơ hội cho nông sản Việt Nam ổn định đầu ra, tiến tới vươn xa, chinh phục những thị trường khó tính.

Quảng bá, tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản

Ngay từ giữa tháng 6/2023 khi bắt đầu vào mùa thu hoạch chính vụ quả vải thiều, thông qua sàn thương mại điện tử Postmart, Bưu điện Việt Nam đã đưa hàng chục tấn vải thiều đến các điểm bán hàng trên toàn quốc, đặc biệt là thị trường khu vực các tỉnh phía Nam.

Vải thiều Bắc Giang được kinh doanh trên sàn Postmart. Ảnh minh họa
Vải thiều Bắc Giang được kinh doanh trên sàn Postmart. Ảnh minh họa

Bưu điện Việt Nam đã rất nỗ lực để gắn kết đưa trái vải vào tiêu thụ tại các điểm bán của Bưu điện. Với mạng lưới các điểm phục vụ phủ rộng khắp 63 tỉnh thành, những trái vải chất lượng của Bắc Giang nhanh chóng đến tay người tiêu dùng với chất lượng và giá cả hợp lý.

Đại điện Trung tâm Kinh doanh và Phân phối – Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết: Năm nay sức tiêu thụ vải thiều tại thị trường miền Nam dự kiến sẽ chiếm gần 40% sức mua toàn thị trường.

Tại TP Hồ Chính Minh, sàn thương mại điện tử Lazada cũng đang triển khai chương trình quảng bá, kinh doanh các dòng vải đặc sản của Bắc Giang (vải U hồng, vải thiều Lục Ngạn và vải Lai sớm). Tất cả sản phẩm đều được thu mua từ vườn trực tiếp, sau đó qua quy trình lựa chọn và phân loại kỹ càng, bảo quản và đóng gói theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Chỉ sau 2 - 4 giờ, hàng hóa sẽ được giao tới tay người tiêu dùng với chi phí thấp hơn từ 25 - 30% so với giá bán trên thị trường.

Việc đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

Chuối Vân Nam (huyện Phúc Thọ), được niêm yết trên trang www.hn.check.net.vn. Ảnh: Trọng Tùng
Chuối Vân Nam (huyện Phúc Thọ), được niêm yết trên trang www.hn.check.net.vn. Ảnh: Trọng Tùng

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội) Nguyễn Thế Lâm chia sẻ, thông qua các sàn thương mại điện tử, hợp tác xã tiếp cận được nhiều khách hàng hơn và cũng đã ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Có những thời điểm, một số nơi do áp lực thời vụ, ổi chỉ bán được giá 10.000 đồng/kg nhưng sản phẩm này của hợp tác xã vẫn bán được tại hệ thống cửa hàng tiện ích và các sàn thương mại điện tử với giá 25.000 đồng/kg.

Tương tự, nhờ nhanh nhạy tìm đến các kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử Sendo và mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok… mà Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao đã thành công với sản phẩm cà gai leo. Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Phan Trung Kiên chia sẻ: Sản phẩm cà gai leo đã phủ khắp thị trường cả nước, khắc phục được hạn chế về khoảng cách địa lý, hạ tầng giao thông, người tiêu dùng cũng dễ dàng tiếp cận nên doanh thu tăng gấp 2 - 3 lần so với phương thức bán hàng truyền thống.

Doanh nghiệp, hợp tác xã cần được hỗ trợ

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: Kênh phân phối nông sản qua sàn thương mại điện tử ngày càng có nhiều lợi thế cạnh tranh vì người mua, người bán đều trực tiếp giao dịch mà không phải qua quá nhiều khâu trung gian với các khoản chi phí cho nhân công, điểm tập kết hàng.

Bên cạnh đó, với kênh thương mại điện tử, các hợp tác xã, hộ nông dân có thể tiếp cận tệp khách hàng rộng lớn hơn một cách nhanh chóng và dễ dàng. Mặt khác, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên kênh thương mại điện tử đang dần tạo ra thói quen tiêu dùng mới.

TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) cho biết: Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều tiếp cận việc tiếp thị thông qua các nền tảng số như các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok... Có 50% doanh nghiệp đã tìm hiểu về thương mại điện tử và nhiều doanh nghiệp trong số đó đã sử dụng kênh phân phối hàng hóa là các sàn giao dịch điện tử, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp khai thác tốt kênh phân phối hàng hóa của mình trên các nền tảng số chưa phải là nhiều.

Cũng theo TS Mạc Quốc Anh, các sàn thương mại điện tử là kênh phân phối mới nhiều ưu điểm và hiệu quả, có tốc độ phát triển nhanh trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, muốn phát huy đầy đủ hiệu quả của kênh bán hàng này, vẫn cần sự phối hợp hỗ trợ của cơ quan Nhà nước, bộ ngành liên quan.

Nói về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh thông tin: Cục đang tiếp tục triển khai hợp tác chặt chẽ với đối tác như: Shopee, Voso, Tiki, Lazada, kết nối đối tác với doanh nghiệp để thực hiện chương trình hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp.

Cụ thể là các chương trình đào tạo để mở gian hàng, vận hành thực hiện các đơn hàng, quản lý logistics, quản lý chất lượng sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử lớn được tổ chức một cách bài bản. Với việc nắm vững những kỹ năng thương mại điện tử, doanh nghiệp, nhà sản xuất hay hợp tác xã nông nghiệp mới có thể chủ động vận hành được kênh bán hàng thương mại điện tử của riêng mình một cách hiệu quả.

 

Chương trình ứng dụng thương mại điện tử quốc gia Go Online hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử lớn sẽ cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, phát triển công nghệ, tối ưu quy trình vận hành sản xuất; tiết kiệm chi phí quản lý kênh bán hàng thương mại điện tử. Qua đó, thúc đẩy doanh số bán hàng, góp phần đẩy mạnh việc phân phối, bán hàng cho các sản phẩm địa phương.

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh