Thưởng Tết sẽ cao hơn nhưng giá trị thưởng có tăng?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ tiền lương - tiền công Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: “Hiện Bộ đang tập hợp báo cáo của các Sở Lao động về mức lương thưởng năm 2009, nhưng căn cứ vào hoạt động của doanh nghiệp, có thể dự đoán, mức thưởng Tết năm nay sẽ cao hơn năm ngoái”.

KTĐT - Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ tiền lương - tiền công Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: “Hiện Bộ đang tập hợp báo cáo của các Sở Lao động về mức lương thưởng năm 2009, nhưng căn cứ vào hoạt động của doanh nghiệp, có thể dự đoán, mức thưởng Tết năm nay sẽ cao hơn năm ngoái”.

Thời điểm này, nhiều công ty, doanh nghiệp đã rục rịch thưởng Tết cho cán bộ, công nhân viên. Theo nhận định chung của nhiều doanh nghiệp thì năm nay mức thưởng Tết sẽ cao hơn năm ngoái. Song, căn cứ theo mức tăng giá trên thị trường thì giá trị thưởng có thể không hơn năm ngoái.

Thưởng Tết sẽ cao hơn

Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ tiền lương - tiền công Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: “Hiện Bộ đang tập hợp báo cáo của các Sở Lao động về mức lương thưởng năm 2009, nhưng căn cứ vào hoạt động của doanh nghiệp, có thể dự đoán, mức thưởng Tết năm nay sẽ cao hơn năm ngoái”.

Theo bà Minh, phần lớn các doanh nghiệp đã phục hồi sau khủng hoảng, bằng chứng là nhiều doanh nghiệp đã ồ ạt tuyển lao động trong những tháng cuối năm. Khi việc nhiều, công nhân có việc làm thêm, doanh nghiệp liên tục tăng ca, sản phẩm tiêu thụ mạnh, hiển nhiên tiền thưởng sẽ phải tăng xứng đáng với công sức của người lao động.

Ngoài ra, lương thưởng còn là một trong những chiến lược phát triển của nhiều doanh nghiệp. Đây là một trong những bí quyết giúp doanh nghiệp giữ chân người tài, khuyến khích, động viên lao động từ đó họ có thêm động lực làm việc. Nhiều donah nghiệp cho biết, năm nay dù khó khăn đến mấy cũng chuẩn bị tiền thưởng Tết cho công nhân, ít nhất là tháng lương 13 theo luật định và thưởng hết vào trước Tết, không để nợ hoặc giữ lại đến sau Tết mới trả như năm trước.

Anh Nguyễn Tiến Thắng, cán bộ Công ty chứng khoán Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam cho biết: "Năm nay công ty chúng tôi làm ăn khấm khá hơn, trái ngược hoàn toàn với tình trạng ảm đạm của chứng khoán năm ngoái. Do đó, cuối năm nhân viên của công ty có thể thể được thưởng một khoản thưởng không nhỏ vào cuối năm".
 
Về mức thưởng Tết, bà Vũ Thị Ngọc Lan, Giám đốc Công ty CP thời trang HANOSIMEX khẳng định, hoạt động sản xuất kinh doanh năm nay của công ty tốt, tiêu thụ nội địa cao, hàng hoá may mặc sản xuất ra bán được hết nên mức thưởng Tết của công ty cho nhân viên chắc sẽ cao hơn so với năm ngoái.
 
Cũng lạc quan, ông Nguyễn Hữu Ngọ, Trưởng phòng Nhân sự, Công ty Cổ phần Cửa Nhựa Trường Sơn nhận định: “Năm nay hoạt động kinh doanh của công ty ổn định hơn, trong mấy tháng cuối năm chúng tôi thực hiện được nhiều đơn hàng hơn nên chắc chắn thưởng công nhân sẽ cao hơn năm trước, ít nhất từ 1 - 2 tháng lương.
 
Nhưng giá trị thưởng có tăng?
 
Theo các chuyên gia, tuy mức thưởng năm nay của nhiều DN có phần cao hơn năm ngoái, song căn cứ theo mức tăng giá trên thị trường thì giá trị thưởng có thể không hơn năm ngoái.
 
Ông Đặng Quang Điều, Phó trưởng ban Chính sách kinh tế - Xã hội (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam) cho biết: "Mức thưởng một tháng lương cơ bản là mặt bằng chung. Nếu thưởng một tháng lương so với tình hình trượt giá như hiện nay là... thấp. Chính vì vậy, trong điều kiện kinh tế hồi phục và có nhiều khả quan các doanh nghiệp nên thưởng hơn một tháng lương cho lao động để kích thích tinh thần làm việc của họ".
 
Từ nay đến Tết Nguyên đán, giá nhiều mặt hàng, nhất là thực phẩm có khả năng tăng cao. Nguyên nhân do sức ép của tình hình thời tiết mưa lũ, dịch bệnh diễn biến bất lợi ở nhiều địa phương trong cả nước và nguồn cung về thực phẩm đang có chiều hướng giảm tương đối. Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, những công nhân có mức thu nhập và thưởng thấp thì càng bị thiệt.

Chị Nguyễn Thị Hồng, công nhân Công ty May Hồ Gươm, Hà Nội cho biết, năm nào cũng vậy, tiền thưởng tối thiểu được 1 tháng lương. Chị Hồng cũng như nhiều công nhân ở các Công ty may, các khu chế xuất đều có tâm trạng lo lắng, Tết này sẽ khó khăn vì lương thưởng có tăng đi nữa nhưng giá cả mặt hàng gần đây lại có xu hướng nhích dần. Đấy là chư kể, cận Tết khi vật giá tăng rất cao thì công nhân mới được nhận thưởng, lúc đó khiến giá trị tiền thưởng giảm đi. 


Hà Nội: Tiền thưởng Tết ở khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt mức cao nhất là 30 triệu đồng/người

Sở Lao động Thương binh Xã hội Hà Nội vừa báo cáo Bộ Lao động Thương binh Xã hội về tình hình lương năm 2009 và tiền thưởng tết 2010 của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
 
Theo báo cáo tiền thưởng Tết ở khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đạt mức cao nhất là 30 triệu đồng/người, thấp nhất là 500.000 đồng/người; khu vực DN dân doanh thưởng cao nhất là 50 triệu đồng/người, thấp nhất chỉ 200.000 đồng/người. Riêng đối với DN FDI, trung bình tiền thưởng là 3,3 triệu đồng/người và thấp nhất là 100.000 đồng.  Tuy nhiên, theo ước tính, ở khối FDI sẽ có mức chênh lệch tiền thưởng tết rất cao (dự đoán có thể gấp hơn 300 lần).
 
Cũng theo thống kê, chia theo lĩnh vực hoạt động, mức lương bình quân cao nhất trên 6 triệu đồng/người/tháng thuộc về lĩnh vực thương mại, dịch vụ; lĩnh vực có mức thu nhập bình quân thấp nhất là 1,6 triệu đồng thuộc về lĩnh vực dệt, sản xuất giấy.
 
Về lương, năm 2009 mức lương ở các DN trên địa bàn TP thuộc 3 loại hình (DN nhà nước (DNNN), DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN dân doanh) thì: DNNN và DN FDI tăng 11,4 và 11,3%, đạt mức trung bình 2,8 triệu đồng/người/tháng (đối với DNNN) và 2,3 triệu đồng/người/tháng (đối với DN FDI. Riêng đối với DN dân doanh hoạt động theo Luật Doanh nghiệp chỉ tăng 1,45% với mức lương trung bình chỉ đạt 2,2 triệu đồng/người/tháng.
 
Đối với DNNN, mức lương cao nhất là 25 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất là 1,1 triệu đồng/người/tháng; DN FDI có mức lương cao nhất là 140 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất là 1,1 triệu đồng/người/tháng. Mức chênh lệch lớn và có thu nhập thấp nhất vẫn thuộc khối DN dân doanh khi mức lương cao nhất lên đến 50 triệu đồng/người/tháng, trong khi đó mức lương thấp nhất chỉ đạt 800.000 đồng/người/tháng. Nếu chia theo lĩnh vực hoạt động, mức lương bình quân cao nhất thuộc về lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên 6 triệu đồng/người/tháng; mức thu nhập bình quân thấp nhất là 1,6 triệu/người/tháng đồng thuộc về lĩnh vực dệt, sản xuất giấy.