Thủy sản cần nhận rõ khó khăn, yếu kém để xây dựng chiến lược vượt khó

Ngô Sơn
Chia sẻ Zalo

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), dự báo nhu cầu thủy sản của các thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong quý 3/2023 thay vì phục hồi từ quý 3 như những dự báo trước đây.

Thủy sản cần nhận rõ những khó khăn, yếu kém để xây dựng chiến lược vượt khó. 
Thủy sản cần nhận rõ những khó khăn, yếu kém để xây dựng chiến lược vượt khó. 

Bám sát diễn biến thị trường xuất khẩu

Theo thông tin từ Hiệp hội VASEP, năm 2023 cực kỳ khó khăn khi tình hình lạm phát thế giới ngày một trầm trọng, nhu cầu tiêu dùng giảm rõ rệt, hàng tồn kho còn nhiều, xuất khẩu (XK) thủy sản khó có thể tăng trưởng trở lại trong thời gian ngắn.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, XK thủy sản Việt Nam chỉ đạt hơn 3,2 tỷ USD tiếp tục giảm mạnh gần 30% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu từ 10 - 50% tại tất cả các thị XK chính. Trong đó, giảm mạnh nhất là thị trường Mỹ hơn 50% so với cùng kỳ, thị trường EU giảm gần 32% và Trung Quốc giảm hơn 25%. Các mặt hàng chính của xuất khẩu thủy sản Việt nam đều giảm 2 con số, cụ thể tôm giảm gần 36%, cá tra giảm gần 40% và cá ngừ giảm hơn 30%.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc lưu ý, những thông tin gần đây về việc cộng đồng doanh nghiệp mảng tôm lo lắng về khả năng cạnh tranh với giá thành nuôi tôm từ Tôm Ecuador, Ấn Độ. Hoặc như những thách thức về hiệu quả nuôi cá tra khi đối mặt với chi phí thức ăn tăng cao bên cạnh nguồn giống chất lượng thiếu ổn định. Ngoài ra, thẻ vàng IUU trong hải sản khai thác cũng đang là một hạn chế lớn cho sự tăng trưởng xuất khẩu thủy sản.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo: Từ nay đến cuối năm 2023, ngành thủy sản cần phải tập trung làm là thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Nhất là duy trì và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tuân thủ các quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu, kiên quyết bài trừ những biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh.

Bên cạnh đó, VASEP nên thông báo kịp thời tới bộ, ngành liên quan các vướng mắc trong quá trình XK để có biện pháp xử lý kịp thời. Hơn nữa, tiếp tục chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, XK nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý và tăng trưởng bền vững.

Để XK thủy sản phục hồi tốt trong nửa cuối năm còn lại sẽ còn nhiều thách thức ở phía trước. Điều quan trọng là các doanh nghiệp phải phải tìm hiểu các yếu tố chủ quan lẫn khách quan một cách cặn kẽ, coi yếu tố nào có ảnh hưởng lớn đến XK để điều chỉnh, có cách thức xử lý phù hợp đồng thời liên kết tạo mạng lưới cùng hỗ trợ phát triển

Chủ tịch Danh dự VASEP, bà Nguyễn Thị Hồng Minh chia sẻ: Mới đây, Ủy Ban Tôm VASEP đã khởi động chương trình “Vì một ngành Tôm phát triển bền vững” và bước đầu đã có những tác động tích cực đến thị trường nguyên liệu Tôm. Ủy Ban Cá Nước Ngọt cũng bắt đầu xây dựng chương trình quảng bá cá tra cùng với hoạt động liên kết cùng đánh giá lại để có biện pháp cải thiện tình hình cung ứng con giống, thức ăn, tỷ lệ thành công cho con cá tra. Ủy Ban Hải Sản cũng đang đóng góp tài chính để thuê tư vấn quốc tế cho vấn đề Thẻ Vàng IUU. Những hoạt động này cho thấy tất cả đang đi cùng nhau để đi được xa hơn.

Còn nhiều thách thức phía trước

Ngành thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam với quy mô ngày càng được mở rộng. Không chỉ được khẳng định ở trong nước, ngành thủy sản còn được đón nhận tại hơn 160 thị trường trên thế giới với 3 quốc gia lớn bao gồm EU, Nhật Bản, Mỹ, chiếm khoảng 60% giá trị xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam. Cổ phiếu ngành thủy sản là một trong những cổ phiếu mang tính chu kỳ rất mạnh trên thị trường chứng khoán.

Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VnDirect kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu từ thị trường Mỹ sẽ phục hồi từ nửa cuối 2023. Dựa trên dự báo: Lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm, nhu cầu cao để phục vụ dịp lễ cuối năm. Điều này sẽ giúp kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam sang Mỹ tăng 40 - 50% trong nửa cuối năm so với 6 tháng đầu năm nay.

Còn với thị trường Trung Quốc, nền tảng kinh tế vĩ mô của Trung Quốc khó đoán định và sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác. Chuyên gia phân tích của VnDirect dự báo, XK thủy sản từ Việt Nam sang Trung Quốc trong nửa cuối 2023 sẽ không tăng trưởng mạnh so với nửa đầu năm.

Hiện nay, thị trường Trung Quốc phục hồi không như mong đợi sau khi mở cửa hoàn toàn. Kim ngạch XK các sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam như cá tra và tôm sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh. Nguyên do được chỉ rõ là vì giá thịt lợn điều chỉnh mạnh và nguồn cung cá rô phi tăng trở lại làm giảm nhu cầu tiêu thụ cá tra. Giá trị XK tôm sang Trung Quốc của Việt Nam giảm do cạnh tranh từ các nước có nguồn tôm giá rẻ như Ấn Độ, Ecuador,...

Riêng thị trường EU được kỳ vọng nhu cầu đối với cá tra của Việt Nam sẽ ổn định trong nửa cuối năm so với 6 tháng đầu năm 2023 do lạm phát tại EU vẫn ở mức cao trong khi nguồn cung các loại cá thịt trắng khác như cá minh thái bị ảnh hưởng bởi căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Ngành thủy sản Việt cần nhìn nhận rõ những khó khăn, những mặt yếu kém để xây dựng chiến lược ưu tiên sao cho phù hợp nhằm tăng sức cạnh tranh để không phải thụt lùi trong thời gian tới.