Thụy Sĩ thả nổi đồng nội tệ: Tiềm ẩn rủi ro cho thị trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi Ngân hàng T.Ư Thụy Sĩ (SNB) hôm 16/1 (theo giờ Việt Nam) dỡ bỏ tỷ giá cố...

Kinhtedothi - Ngay sau khi Ngân hàng T.Ư Thụy Sĩ (SNB) hôm 16/1 (theo giờ Việt Nam) dỡ bỏ tỷ giá cố định của đồng nội tệ Franc với đồng Euro đã được áp dụng suốt 3 năm qua, thị trường tài chính châu Âu đã trải qua một cơn "địa chấn" với nhiều cảnh báo về tác động tiêu cực tới sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã lập tức bày tỏ sự  lo ngại trước động thái bất ngờ này bởi chỉ một ngày trước đó, SNB còn tuyên bố duy trì tỷ giá cố định đồng nội tệ (ở mức 1,2 Franc/Euro) là một trong những chính sách nền tảng.

Giảm áp lực

Quyết định của SNB được đưa ra trong bối cảnh tuần tới Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) sẽ nhóm họp và có thể thông qua quyết định nới lỏng định lượng để kích thích tăng trưởng kinh tế. Với lượng tiền mặt khổng lồ được ECB bơm vào thị trường, đồng Euro được dự báo sẽ giảm giá hơn nữa so với đồng USD. Diễn biến này sẽ gây áp lực lớn cho đồng Franc vốn được neo theo giá trị của Euro. Vì thế quyết định dỡ bỏ tỷ giá này của SNB được cho là bước đi “không thể tránh khỏi” nhằm giảm thiểu những tổn thất mà Thụy Sĩ có thể phải hứng chịu do đồng Euro đã suy yếu xuống mức thấp nhất kể từ khi nó ra đời.

 
Alpari - nhà tài trợ cho CLB West Ham (Anh) là nạn nhân đầu tiên sau quyết định của SNB. Lãnh đạo tập đoàn vừa tuyên bố Alpari đang đứng trước nguy cơ phá sản. Ảnh: AFP
Alpari - nhà tài trợ cho CLB West Ham (Anh) là nạn nhân đầu tiên sau quyết định của SNB. Lãnh đạo tập đoàn vừa tuyên bố Alpari đang đứng trước nguy cơ phá sản. Ảnh: AFP
Là thiên đường của giới tài chính châu Âu, là thánh địa của các ngân hàng lớn nhất, tốt nhất toàn cầu, đồng nội tệ của Thụy Sĩ vì thế luôn là hàng hóa được săn tìm nhiều nhất trong các thời điểm bất ổn hay giai đoạn khủng hoảng. Trong lịch sử, SNB đã nhiều lần phải tìm cách giải cứu cho đồng Franc trước áp lực từ dòng vốn ngoại. Và quyết định lần này của SNB được cho là do Thụy Sĩ đã không còn khả năng để bơm Franc ra thị trường để giữ tỷ giá danh nghĩa thấp hơn giá trị thực quá nhiều. Trước ánh mắt lo ngại của cộng đồng quốc tế, Thống đốc SNB cho rằng, biện pháp này tuy khác thường nhưng sẽ bảo vệ được nền kinh tế Thụy Sĩ. Thậm chí, trong một nỗ lực nhằm giảm sức hấp dẫn của đồng Franc, các quan chức SNB còn tuyên bố sẽ hạ 0,5% lãi suất đối với các khoản tiền gửi tại hệ thống ngân hàng nước này.

Tăng nguy cơ

Ngay sau khi quyết định dỡ tỷ giá được công bố, đồng nội tệ của Thụy Sĩ đã tăng tới 28% giá trị. Theo các chuyên gia, đồng Franc sẽ xuống giá trong thời gian tới nhưng chắc chắn sẽ không quay trở lại mức giá cũ. Đồng thời cảnh báo quyết định này sẽ mang lại nhiều rủi ro cho kinh tế Thụy Sĩ, khu vực và toàn cầu do sự thay đổi giá trị đột ngột giữa các đồng tiền.

Thực tế đã chứng minh cảnh báo này là hoàn toàn chính xác. Đồng Franc trở nên đắt đỏ hơn sẽ làm giảm sức hấp dẫn của các DN xuất khẩu và khiến du khách cân nhắc nhiều hơn trước khi quyết định đến Thụy Sĩ. Theo ước tính sơ bộ, xuất khẩu của nước này sẽ hụt thu khoảng 5 tỷ Franc và giảm khoảng 0,7% tổng sản lượng. Những lo ngại này khiến nhà đầu tư vốn được hưởng lợi từ việc đồng Franc lên giá đã vội vàng tháo chạy khỏi thị trường và khiến  các cổ phiếu ngân hàng của Thụy Sĩ mất tới 15% giá trị. Ít nhất 100 tỷ Franc đã bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán nước này, đánh dấu phiên giao dịch tồi tệ nhất trong vòng 25 năm qua.

Tình thế nguy hiểm

Hiệu ứng Domino rất nhanh đã lan tới thị trườngtài chính và chứng khoán trong khu vực. Đồng nội tệ của một số nước Đông Âu đã biến động mạnh và đẩy các quốc gia vốn đang vất vả chống đỡ với tăng trưởng thấp, thất nghiệp cao vào tình cảnh nguy hiểm. Đồng nội tệ Zloty của Ba Lan và Forint của Hungary cùng giảm 1,7% so với đồng Euro, mất 18% giá trị so với đồng Franc và kích hoạt những lo ngại về sự đắt đỏ của các khoản tín dụng. Tại Ba Lan, Hungary và Croatia, nhiều năm qua, do Franc có lãi suất thấp hơn hẳn các đồng ngoại tệ khác nên nhiều DN các nước này đã đẩy mạnh hoạt động tín dụng bằng đồng Franc. Nguy cơ phá sản của các DN có thể dẫn đến sự sụp đổ của các nền kinh tế “vùng trũng” của châu Âu.

Hiện chưa thể đánh giá chính xác mức độ thiệt hại từ quyết định của SNB nhưng cảnh báo liên tiếp được lãnh đạo của các định chế tài chính lớn cho thấy kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều nguy cơ. Ngoài biến động của đồng Franc, sự tăng giá của USD sẽ tác động mạnh tới các nền kinh tế mới nổi, các quốc gia đang phát triển. Không chỉ vậy, cả khu vực đồng Euro và Nhật Bản cũng sẽ bị kẹt trong tình trạng chậm phát triển và lạm phát kéo dài hơn nữa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần