Hiện tại, cả thế giới đang sôi động và rối bời bởi chuyện liên quan đến những cáo buộc về sử dụng chất độc hoá học ở Anh và Syria. Chuyện ở Anh đã đưa đến cuộc chiến ngoại giao của các nước Phương Tây chống Nga. Chuyện ở Syria đang khuấy động nguy cơ về Mỹ và đồng minh tiến hành tấn công quân sự nhằm vào chính phủ Syria.
Chúng đang làm lu mờ phần nào hai sự kiện lớn dự kiến sẽ được tiến hành với tác động và ý nghĩa chiến lược còn to lớn hơn cả hai chuyện kể trên là cuộc thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba và cuộc gặp cấp cao đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên.
Ở đâu đó khác trên thế giới, tình hình chính trị an ninh có thể trở nên căng thẳng hơn trước chứ còn ở khu vực Đông Bắc Á và trên bán đảo Triều Tiên thì mọi dấu hiệu đều cho thấy hoà dịu và giảm căng thẳng đang được tiếp tục và thúc đẩy.
Cuộc cấp cao liên Triều thứ 3 sẽ diễn ra vào ngày 27/4 tới tại Bàn Môn Điếm - giới tuyến quân sự trên bán đảo Triều Tiên và trên danh nghĩa vẫn chỉ là biên giới tạm thời giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Còn về sự kiện lớn thứ 2 sau đó thì cả câu hỏi về thời gian diễn ra lẫn câu hỏi về địa điểm diễn ra hiện vẫn chưa có được câu trả lời. Có 3 điều giúp thiên hạ hiện tại có thể lạc quan tin rằng sự kiện này sẽ được tổ chức:
Thứ nhất, nó đã được phía Triều Tiên lần đầu tiên xác nhận chính thức. Cho tới trước đó, nó mới đều chỉ được phía Mỹ và Hàn Quốc xác nhận cũng như đưa lại sự xác nhận của Triều Tiên với họ chứ không phải công khai.
Thứ hai, tổng thống Mỹ Donald Trump vừa mới rồi cũng lần đầu tiên có phát ngôn về thời điểm diễn ra cuộc gặp. Ông Trump cho biết thời gian của cuộc gặp sẽ vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 này. Qua đó đủ để thấy phía Mỹ rất kiên định chủ trương tiến hành cuộc gặp giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Thứ ba, Triều Tiên cũng đã công khai xác nhận là trên chương trình nghị sự của cuộc gặp có nội dung là vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Ai cũng biết rằng phía Mỹ sẽ không tham dự cuộc gặp nếu vấn đề này không được bàn thảo ở đó. Nhiều khả năng hai bên đã thoả thuận được với nhau hết rồi nhưng chưa công khai mà thôi. Cũng không có gì là khó hiểu cả vì số phận của cuộc cấp cao này phụ thuộc vào thành công hay thất bại của cuộc thượng đỉnh liên Triều thứ 3 kia. Cuộc này không thành công thì sẽ không có cuộc kia đâu. Cho nên phải sau ngày 27/4 này thì hai câu hỏi nói trên mới có thể có được câu trả lời công khai.
Thời gian cụ thể là điều họ dễ quyết định, về địa điểm mới là chuyện khó. Mỹ và Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao chính thức.
Cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong-un chắc sẽ diễn ra ở một nơi trung lập chứ không thể ở nơi có quan hệ gắn bó với bên này hay bên kia, không thể ở Hàn Quốc hay Trung Quốc, Nhật Bản hay Nga.
Cũng khó có thể ở Bàn Môn Điếm vì nơi đây rất nhạy cảm về đối nội đối với Mỹ do năm 1976 đã xảy ra nổ súng giữa binh lính của Triều Tiên và Mỹ. Thuỵ Điển có thể là một trong những sự lựa chọn bởi Thuỵ Điển là quốc gia trung lập và đã đóng vai trò cầu nối giữa Mỹ và Triều Tiên.
Thuỵ Điển đại diện cho lợi ích của Mỹ ở Triều Tiên và có đại sứ quán ở Triều Tiên. Thuỵ Sỹ đại diện lợi ích của Mỹ ở Iran và cũng là nước trung lập nên cuộc đàm phán về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran đã được tiến hành ở Thuỵ Sỹ. Thời trước, ông Kim Jong-un đã từng học ở Thuỵ Sỹ nên rất có thể vì thế mà người này không muốn tiến hành cuộc gặp với ông Trump ở nơi này.
Theo thông tin được tiết lộ, giới chức Mỹ và Triều Tiên từng xem xét gặp gỡ ở thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ. |
Một khía cạnh khác đóng vai trò quyết định không kém là ông Kim Jong-un mới công du nước ngoài một lần và sử dụng chuyên xa, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó đương nhiên chủ yếu vì lý do an ninh. Dùng tầu hoả thì không thể nhanh chóng di chuyển được đến nơi xa. Ông Kim Jong-un chắc sẽ không thể sử dụng chuyên xa của mình để đi sang Thuỵ Điển hay Thuỵ Sỹ. Nhưng đi gần như tới Mông Cổ thì xem ra lại rất có thể. Đất nước này rất cân bằng giữa Mỹ và Triều Tiên, đáp ứng được nhiều nhất những yêu cầu của phía Triều Tiên. Câu hỏi chỉ là phía Mỹ có chấp nhận không thôi.