Tiềm ẩn tai nạn giao thông trên Quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên được thông xe toàn tuyến vào tháng 1/2014. Tuy nhiên, sau khi đưa vào khai thác, quốc lộ này đã xuất hiện tình trạng giao thông lộn xộn và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.

Sau khi được Bộ GTVT giao quản lý, khai thác và bảo trì QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên vào tháng 5/2013, Tổng cục ĐBVN đã chỉ đạo Cục Quản lý Đường bộ I và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban QLDA2, các nhà thầu thi công, Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH, các Sở GTVT Hà Nội, Thái Nguyên để tổ chức quản lý, khai thác đảm bảo ATGT trên tuyến, mặc dù đến thời điểm này tuyến đường chưa được Ban QLDA 2 (Chủ đầu tư dự án) bàn giao chính thức cho Tổng cục .

Tổng cục ĐBVN vừa có buổi kiểm tra hiện trường về tình hình quản lý, khai thác và bảo trì trên tuyến QL3. Theo đánh giá của Tổng cục ĐBVN trên tuyến còn một số vấn đề tồn tại như, công tác thi công xây lắp của Dự án đến nay vẫn chưa hoàn thiện đặc biệt là hệ thống ATGT, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cao trong quá trình khai thác.

 
Đường ngang dân sinh cắt ngang QL3 mới Hà Nội-Thái Nguyên.
Đường ngang dân sinh cắt ngang QL3 mới Hà Nội-Thái Nguyên.
Điểm mất ATGT đầu tiên được Tổng cục ĐBVN chỉ ra đó là việc nhà thầu chưa hoàn chỉnh thi công đường dẫn cầu vượt tại Km4+710, dẫn đến tồn tại đường dân sinh cắt ngang QL3. Các loại phương tiện xe tải, ô tô, xe máy, thô sơ vẫn “phớt lờ” chốt cảnh báo của Công ty CP Quản lý và Đầu tư Xây dựng CTGT 238 lưu thông vượt qua dải phân cách giữa của QL3 mới, điều này gây nguy hiểm và tiểm ẩn tai nạn giao thông cao, đặc biệt là vào ban đêm.

Yếu tố gây mất ATGT thứ hai mà theo Tổng cục ĐBVN là gây khó khăn cho người tham gia giao thông đó là tại các vị trí cống chui, đường ngang, nhiều nút giao như, nút giao Ninh Hiệp, nút giao QL18, Tân Lập, Sông Công, Phổ Yên thiếu biển báo hiệu đường bộ. Bên cạnh đó, hệ thống cột Km, sơn kẻ đường, giá long môn, lưới B40 chưa thi công hoàn thiện đầy đủ.

Theo báo cáo của Ban QLDA2 hệ thống ray phòng hộ đoạn qua địa phận tỉnh Thái Nguyên còn khoảng 50 vị trí chưa được đóng. Nguyên nhân được Ban QLDA 2 đưa ra là do nhà thầu chưa thi công xong hệ thống đường gom. Một số vị trí người dân tự ý tháo ray phòng hộ, mở lối đi vào QL3, lắp biển quảng cáo, kinh doanh rửa xe gây mất ATGT cao.

Hiện còn khoảng 50 vị trí trong hệ thống ray phòng hộ QL3 mới đoạn qua tỉnh Thái Nguyên chưa được đóng.

Một số vấn đề tồn tại khác trên tuyến như, tại một số điểm nhà thầu thi công hệ thống thoát nước và ATGT còn tình trạng tập kết vật tư, vật liệu xây dựng trên mặt đường, gây mất vệ sinh môi trường và mất an toàn khai thác. Tình trạng các phương tiện xe máy, xe đạp, người đi bộ đi vào đường cao tốc, đi sai làn đường, đặc biệt tại khu vực nút giao Yên Bình và nút giao Phổ Yên, người dân tự ý chăn, thả gia súc trên dải phân cách giữa QL3.

Theo Tổng cục ĐBVN khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác tổ chức quản lý, khai thác và bảo trì tuyến đường  là doTổng cục ĐBVN chưa được nhận bàn giao chính thức từ Ban QLDA 2. Do vậy, Tổng cục ĐBVN chưa có đầy đủ cơ sở tổ chức quản lý, khai thác và bảo trì tuyến đường. Các sự cố và tai nạn xảy ra trên tuyến mới chỉ được xử lý trên nguyên tắc phối hợp giữa Ban QLDA2, Công ty cổ phần Quản lý và đầu tư xây dựng CTGT 238, các nhà thầu và Cảnh sát giao thông thuộc C67, không có cơ quan là đầu mối chính thức để tuần tra, tuần kiểm, phối hợp xử lý thông tin về khai thác cũng như đảm bảo an toàn trên tuyến.

Để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến QL3 mới, Tổng cục ĐBVN kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Ban QLDA 2 và các đơn vị liên quan khẩn trương thi công hoàn thiện các hạng mục còn lại trên tuyến, đặc biệt là xử lý vướng mắc tại đường dẫn cầu vượt Km4+710, các nút giao để sớm khắc phục các giao cắt cùng mức, hệ thống đường gom, đóng tất cả các điểm mở, đường giao dân sinh, bổ sung đầy đủ hệ thống biển báo hiệu, vạch sơn kẻ đường đảm bảo tuyến khai thác an toàn, hiệu quả.

Thực hiện thẩm định ATGT trước khi đưa công trình vào khai thác chính thức để kịp thời điều chỉnh, bổ sung thiết kế tổ chức giao thông, hệ thống thiết bị an toàn giao thông phù hợp, phát huy hiệu quả.

Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, kể cả hồ sơ hoàn công để sớm bàn giao chính thức cho Tổng cục ĐBVN quản lý, khai thác và bảo trì theo quy định. Tổng cục ĐBVN sẽ chỉ nhận bàn giao khi đáp ứng đủ các điều kiện bàn giao công trình.

Trước đó, vào tháng 3/2014, Tổng cục ĐBVN đã có văn bản gửi Ban QLDA 2 đề nghị thực hiện một số hành động trong thời gian khai thác tạm tuyến QL3 mới. Đồng thời, Tổng cục cũng có văn bản báo cáo và đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Ban QLDA2 bổ sung, điều chỉnh một số hạng mục trong Dự án để đảm bảo điều kiện an toàn khai thác, tuổi thọ công trình.

Tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được khởi công từ tháng 11/2009 với tổng chiều dài 63,8 km qua ba địa phương là Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, được thiết kế với 4 làn đường, tốc độ lên đến 100km/h với 18 cầu trên tuyến chính với tổng chiều dài 2,7 km, 15 cầu vượt đường ngang.

Dự án được xây dựng nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, rút ngắn thời gian đi lại và đặc biệt là góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh giao thương giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh phía Bắc.