Tiếp bài “Cho thuê xe tự lái và nỗi lo dính phạt nguội”: Lo xe bị chiếm đoạt, khó xử lý hình sự

Bài, ảnh: Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện rủi ro xung quanh việc kinh doanh cho thuê xe tự lái không chỉ ở việc xe bị va quệt, gây tai nạn, phạt nguội, mà còn nỗi lo bị kẻ xấu làm giả giấy tờ để chiếm đoạt mang đi cầm cố.

Với hàng loạt rủi ro, chủ xe đã nghĩ ra nhiều giải pháp để phòng tránh như kết nối với bên thứ ba, trang bị công cụ phát hiện giấy tờ giả, thêm các điều khoản chi tiết vào hợp đồng...

Sử dụng đơn vị trung gian

Để tránh rủi ro, nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ thuê xe tự lái thông qua các đơn vị thứ ba cung cấp nhu cầu tới người cần thông qua website hoặc ứng dụng di động. Trên thế giới, các ứng dụng như này không mới, chẳng hạn như ở Mỹ (Turo, Zipcar…) đã rất phổ biến. Còn ở Việt Nam, những ứng dụng như chungxe, tripx, Mioto... được nhiều đơn vị hoặc cá nhân có nhu cầu cho thuê xe tự lái sử dụng.

Theo đó, các đơn vị thứ ba này sử dụng công nghệ thông minh (công nghệ Big data và AI) để xác định thông tin bên cho thuê xe. Bởi nếu người thuê xe là đối tượng cờ bạc, sử dụng ma tuý…, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong thực hiện giao dịch, xe có nguy cơ bị cầm cố, thay thế phụ tùng. Bên cạnh đó, cũng như nhiều dịch vụ công nghệ khác, thông tin được tổng hợp lên hệ thống, có chấm điểm khách hàng, từ đó cung cấp cho các đối tác cho thuê căn cứ xác minh. Ngoài các giấy tờ như hộ khẩu, căn cước công dân…, đối tác có thêm đánh giá khách hàng có đủ tin cậy hay không qua lịch sử giao dịch. Tuy nhiên, việc thẩm định người thuê xe là một bài toán khó khi mà tại Việt Nam, các thông tin, giấy tờ xác minh khá phân mảnh, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro lớn.

Cẩn trọng và tự bảo vệ

Thay vì thông qua đơn vị trung gian cung cấp giải pháp, các chủ xe sẽ thêm những điều khoản chi tiết vào hợp đồng cho thuê. Đồng thời khi ký hợp đồng xong sẽ mang đến các tổ chức hành nghề công chứng, vì tại đây có nghiệp vụ phát hiện giấy tờ, tài liệu giả.

Anh Lê Xuân Bách, chủ một cơ sở cho thuê xe tự lái ở quận Tây Hồ cho biết đã phải nhờ đến tư vấn của luật sư để làm hợp đồng cho thuê xe. Các bên có thể tự do thỏa thuận quyền và nghĩa vụ, đặc biệt là ràng buộc hơn đối với người thuê, sau đó sẽ ra văn phòng công chứng để xác nhận tính minh bạch của các loại giấy tờ. "Với hợp đồng cho thuê xe, tôi thường hay yêu cầu sau khi trả xe thì tiền cọc sẽ trả lại sau tầm 15 ngày. Khoảng thời gian đó được dùng để kiểm tra xem xe có bị phạt nguội không, nếu có sẽ trừ vào tiền đã cọc" - anh Bách chia sẻ.

Nhiều chủ xe cũng chia sẻ kinh nghiệm phân biệt thật - giả giấy tờ bằng kính lúp có độ phóng to lớn. Cụ thể, nếu là mộc giả sẽ thấy chữ in có những răng cưa, còn thật thì không. Với hình Quốc huy, nếu giả thì rất nhạt và ngược lại. "Việc lắp đặt GPS cho ô tô là yêu cầu bắt buộc khi kinh doanh dịch vụ cho thuê xe tự lái. Tuy nhiên, luôn luôn phải "để mắt" đến tình trạng xe được thuê có di chuyển hay không, nếu đứng im một chỗ nhiều ngày thì phải xác minh, xử lý ngay hoặc bị tắt GPS phải trình báo cơ quan công an" - một chủ xe cho hay.

Thực tế, đã có không ít vụ việc lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản dưới hình thức thuê xe tự lái nhưng không thể xử lý hình sự được, bởi ngay từ ban đầu giữa khách và chủ cơ sở cho thuê xe không có sự ràng buộc chặt chẽ thông qua hợp đồng. Theo chia sẻ của một điều tra viên, việc chứng minh người vay mượn, thuê, sử dụng vi phạm quy định tại Bộ Luật hình sự để cấu thành tội là cực kỳ khó khăn. "Có trường hợp cá biệt như khi cơ quan Công an có giấy triệu tập thì người bị tố cáo vẫn đến và thường có trăm ngàn lý do giải thích vì sao không thể liên lạc hoặc rời khỏi nơi cư trú. Bên cạnh đó, chẳng có người thuê nào nhận việc mình bán tài sản phục vụ mục đích mà pháp luật nghiêm cấm như cờ bạc, ma tuý...".

Có lẽ vì mức rủi ro lớn nên thời gian qua, dịch vụ này tại Hà Nội đang dần thu hẹp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần