Mờ nhạt vai trò Hội đồng trường
Hội đồng trường được bầu hiệu trưởng
Có thể nói, quyền lực và mối quan hệ của Đảng ủy - Ban Giám hiệu (BGH) - HĐT như thế nào vẫn đang được tranh luận chưa có hồi kết.
Xung đột về quyền lực
Trường đại học (ĐH) hiện đại được xem như một xã hội thu nhỏ, và HĐT có thể như cơ quan lập pháp, hoạch định chính sách vĩ mô trong khuôn khổ quyền tự chủ, trách nhiệm xã hội theo luật định. Thế nhưng hiện nay, Chủ tịch HĐT của nhiều trường ĐH kiêm nhiệm các chức vụ quản lý, thuộc sự chỉ đạo của BGH nên ảnh hưởng đến điều hành của HĐT. Hơn nữa, HĐT trường thành lập lần đầu do Hiệu trưởng tổ chức, nên chưa thu hút được cán bộ có đủ tín nhiệm vào chức Chủ tịch. Những điều đó khiến Chủ tịch HĐT mờ nhạt so với Hiệu trưởng.
Bản thân hoạt động của HĐT cũng rất hình thức. Ông Dương Đức Hùng - Chủ tịch HĐT ĐH Hải Phòng chỉ ra 3 nguyên nhân khiến ít trường thành lập HĐT: Thành lập theo đúng Luật Giáo dục ĐH, nên HĐT chẳng khác gì bộ máy mở rộng. Nếu Chủ tịch HĐT làm đúng chức năng thì xung đột về quyền lực với Hiệu trưởng. Hiệu trưởng các trường ĐH không muốn chia sẻ quyền lực. Thêm vào đó, dù Bộ GD&ĐT quy định các trường ĐH thành lập HĐT trước quý III/2015, nhưng không quyết liệt trong việc “cưỡng chế” thực hiện.
Theo quy định, HĐT là đại diện cho chủ sở hữu cộng đồng, nên Chủ tịch HĐT có quyền hơn Hiệu trưởng. Từ đó, Hiệu trưởng trường Cao đẳng (CĐ) Y tế Phú Yên Bùi Trần Ngọc suy ra: “Tiêu chuẩn của Chủ tịch HĐT phải cao hơn Hiệu trưởng, còn nếu thấp hơn sẽ bị phá”. Ông Ngọc cũng đặt ra 3 tình huống, làm sao đưa ra được chuẩn Chủ tịch HĐT phù hợp với bối cảnh Việt Nam hiện nay và theo từng ngành nghề, lĩnh vực đào tạo. Nếu Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐT thì e quyền lực lại quá lớn. Quy định Chủ tịch HĐT không giữ chức vụ quản lý đồng nghĩa với không giỏi về năng lực. Nếu được bầu làm Chủ tịch HĐT sẽ "cản bước" phát triển của nhà trường. Theo quy định, lấy một người ngoài nhà trường làm Chủ tịch HĐT, có thể tốt về quyền hạn nhưng chưa chắc đã bằng người trong trường làm Chủ tịch HĐT. Vì thế, nhiều trường đề nghị GS, PGS đã nghỉ hưu làm Chủ tịch HĐT.
Cần giải quyết mối quan hệ giữa 3 bên
Nguyên nhân quan trọng khiến HĐT không thể hiện được vai trò của mình là phạm vi quyền hạn của Đảng ủy và HĐT chưa được phân định rõ. Hiện nay, cả HĐT và Đảng ủy đều có quyền quyết định những vấn đề chiến lược về sự phát triển của nhà trường, cũng như cùng định hướng và giám sát. Tuy nhiên, hầu hết BGH các trường chỉ chỉ đạo, điều hành hoặc quản lý thông qua việc chấp hành và thực hiện Nghị quyết của Đảng. PGS.TS Lê Minh Thắng - Chủ tịch HĐT ĐH Bách khoa Hà Nội đề xuất mối quan hệ giữa Đảng ủy - HĐT - BGH cần được xây dựng cụ thể, trong đó phân định rõ trách nhiệm của mỗi bên. Đảng là cơ quan lãnh đạo, chủ trương của Đảng mang tính định hướng và không đi vào chi tiết, cụ thể. HĐT quyết định chiến lược, mục tiêu cụ thể hơn, nằm trong chủ trương của Đảng. BGH tổ chức thực hiện kế hoạch và chiến lược đã được HĐT thông qua. “Đảng lãnh đạo về công tác nhân sự nghĩa là thông qua đề xuất nhân sự của HĐT hay BGH. Tuy nhiên, việc tổ chức bầu thành viên HĐT và BGH do HĐT thực hiện” - bà Thắng nhấn mạnh.
Từ mô hình của Viện ĐH Mở Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thị Mai Hương - Chủ tịch HĐT chia sẻ nguyên tắc phối hợp giữa Đảng ủy - BGH - HĐT trong lãnh đạo và triển khai nhiệm vụ: Đảng lãnh đạo toàn diện các hoạt động của nhà trường, BGH là bộ máy điều hành, quản lý. Hiệu trưởng cùng các thành viên trong BGH và hệ thống các đơn vị tham mưu là bộ phận trực tiếp điều hành các hoạt động của trường (đào tạo, nghiên cứu khoa học…) trên cơ sở đảm bảo các mục tiêu đã đề ra của Đảng ủy, HĐT. HĐT là tổ chức quản trị nhà trường và đại diện cho sở hữu cộng đồng ban hành các nghị quyết phù hợp với chủ trương của Đảng ủy, được tập thể HĐT thông qua. “Viện ĐH Mở Hà Nội xác định mối quan hệ Đảng ủy - HĐT - BGH dựa trên nguyên tắc chung đảm bảo lợi ích của cộng đồng và vì sự phát triển bền vững của nhà trường. Mối quan hệ này thực sự tạo nên sức mạnh tổng hợp và tăng vai trò lãnh đạo theo hướng đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công”.
Thông tin từ Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, trong tổng số 169 cơ sở giáo dục ĐH công lập có 58 đơn vị có HĐT (chiếm 34,3%); 111 cơ sở chưa có HĐT (chiếm 65,6%). Trong số 33 trường CĐ sư phạm, mới có 3 HĐT. Và mới có 16 trường ĐH trực thuộc Bộ GD&ĐT thành lập được HĐT và 5 cơ sở khác đang triển khai việc thành lập HĐT. |