Tiếp tục nuôi hy vọng vào Fed, chứng khoán Mỹ bùng nổ

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 15/2, với chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới lần thứ 11 trong năm nay.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục lập kỷ lục trong phiên ngày 15/2. Ảnh: CNBC
Chứng khoán Mỹ tiếp tục lập kỷ lục trong phiên ngày 15/2. Ảnh: CNBC

Thị trường Phố Wall giao dịch khởi sắc trong phiên ngày thứ Năm khi nhà đầu tư gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ do doanh số bán lẻ giảm nhiều hơn dự kiến.

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 cộng 0,58% lên mức 5.029,73 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 0,30% lên 15.906,17 điểm, còn Dow Jones leo dốc 348.85 điểm (tương đương 0,91%) lên 38.773,12 điểm.

Giới đầu tư Phố Wall đã dành tuần này để đánh giá tình hình kinh tế Mỹ, song cho đến nay, một loạt chỉ số đã đưa ra những tín hiệu trái chiều.

Dữ liệu mới nhất cho thấy doanh số bán lẻ đã giảm 0,8% trong tháng 1/2024, cao hơn nhiều so với mức dự báo 0,3% của các chuyên gia kinh tế được Dow Jones khảo sát.

Dữ liệu này khiến nhà đầu tư lo ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong bối cảnh lạm phát có dấu hiệu giảm chậm lại và lãi suất còn đang cao. Số liệu công bố trước đó trong tuần này cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng cao hơn so với dự báo.

Tuy nhiên, số liệu bán lẻ kém khả quan cũng được nhiều nhà đầu tư xem là tin tích cực, vì củng cố khả năng Fed đẩy nhanh việc khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ.

Phản ánh kỳ vọng này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm trong ngày 15/2. Thị trường cổ phiếu nhờ đó cũng phục hồi mạnh dù kinh tế Mỹ có thể sẽ không có được một cuộc hạ cánh mềm như nhà đầu tư vẫn kỳ vọng cho tới gần đây.

Chuyên gia đầu tư Neville Javeri tại Allspring Global Investments, cho biết: “Các nhà đầu tư Phố Wall tỏ ra vui mừng hơn sau khi đón nhận báo cáo bán lẻ yếu hơn dự đoán”.

Trong khi đó, Thomas Martin - nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại GLOBALT, đánh giá: “Dữ liệu bán lẻ trong tháng 1 cho thấy nền kinh tế có thể giảm tốc, song tin xấu lại trở thành tin tốt vì điều đó gia tăng hy vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm hơn”.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, tỷ lệ đặt cược vào khả năng Fed cắt giảm lãi suất ở mức 0,25% trong tháng 5 đã lên tới 40%, trong khi tỷ lệ đặt cược cho tháng 6 ở mức khoảng 79%.

Trong phiên giao dịch, cổ phiếu của Tesla và Meta (Facebook) lần lượt leo dốc 6% và 2%. Cổ phiếu của Wells Fargo tăng 7% sau khi Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ (OCC) chấm dứt án phạt đối với ngân hàng này. 

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2023 tiếp tục vẽ nên một bức tranh phân hóa về doanh nghiệp Mỹ.

Cổ phiếu của Tripadvisor nhảy vọt 9% sau khi công ty này vượt qua các ước tính về doanh thu và lợi nhuận.

Trong khi đó, cổ phiếu của Cisco sụt 2% sau khi hãng này tuyên bố sa thải nhân viên và đưa ra triển vọng doanh số yếu kém. Cổ phiếu của Deere cũng giảm 5% do nhà sản xuất máy móc công nghiệp này hạ dự báo lợi nhuận trong năm 2024. 

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã ghi nhận một tuần đầy biến động do báo cáo lạm phát nóng hơn dự kiến. Trong phiên giao dịch ngày 13/2, chỉ số Dow Jones đã chứng kiến mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2023. 

Với hai phiên phục hồi vào ngày thứ Tư và thứ Năm, Dow Jones hiện đã tăng 0,26% trong tuần này và chỉ số S&P 500 cộng 0,06%, nhưng Nasdaq Composite đã giảm 0,53% từ đầu tuần.

Chiến lược gia trưởng Art Hogan của công ty B. Riley Wealth Management nhận định với đài CNBC: “Báo cáo CPI nóng hơn dự báo đã dẫn tới phản ứng bán tháo quá mức của giới đầu tư cổ phiếu.  Tôi tin rằng chúng ta sẽ sử dụng thời gian còn lại của tuần này để bù đắp số điểm đã mất trong đợt điều chỉnh trên".