Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới và là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đảm nhận vai trò chủ tịch của G20 vào tháng 12 năm ngoái với kế hoạch tập trung vào phục hồi sau đại dịch Covid-19 và hướng tới thúc đẩy lợi ích của các quốc gia đang phát triển.
Tuy nhiên, việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2 năm nay đã khiến thế giới rơi vào tình trạng hỗn loạn, và làm cho quá trình chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh G20 của Indonesia gặp khó khăn, buộc quốc gia này phải nỗ lực hết sức để giải quyết các các vấn đề phát sinh khác nhau và đảm bảo hội nghị thượng đỉnh được diễn ra thuận lợi trên đảo Bali.
"Chỉ cần cuộc họp diễn ra với sự tham gia của các bên đã là một thành công lớn" - ông Jose Rizal, giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Jakarta, nói với Reuters.
Cuộc chiến tại Ukraine là lý do khiến một số nhà lãnh đạo phương Tây đứng lên kêu gọi tẩy chay Thượng đỉnh G20 và từ chối tham dự với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tuy nhiên, Indonesia - quốc gia theo “Phong trào không liên kết” - giữ lập trường trung lập trong mối quan hệ với Nga, đồng thời phủ nhận một số nguồn tin cho rằng Indonesia đang phải chịu áp lực từ các nước G7 để lên án Nga tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong hai ngày tới đây.
Tổng thống Joko Widodo, người trước đây không dành sự quan tâm quá nhiều đối với các vấn đề quốc tế, đã đích thân tới Kiev và Moscow vào tháng 6 năm nay để gặp Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - những người mà ông đã mời tham dự Thượng đỉnh G20.
Ông Jokowi luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với tình trạng mất an ninh lương thực và năng lượng do chiến tranh ở Ukraine, điều này bắt nguồn từ việc Indonesia là một trong những quốc gia có nền nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.
Trong một thông báo mới nhất, Nga đã xác nhận rằng ông Putin sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh mà thay vào đó là sự xuất hiện của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Tổng thống Ukraine Zelensky cũng dự kiến sẽ phát biểu tại Thượng đỉnh lần này thông qua một video.
"Đầy khó khăn và bất ổn" - Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã sử dụng từ ngữ này để mô tả những gì xảy ra đối với G20 trong năm nay, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Reuters. Đây thực sự là một năm căng thẳng đến đỉnh điểm đối với G20, đến mức mà một số quốc gia phải mất nhiều ngày để chỉ thống nhất cách sử dụng một từ ngữ phù hợp cho một vấn đề.
Indonesia có thể tạm thở phào khi mà hội nghị thượng đỉnh được khai mạc vào hôm nay, tuy nhiên các vấn đề cơ bản vẫn chưa thực sự được giải quyết.
Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết, một thông cáo chung cần sự chấp thuận của tất cả các bên dường như khó có thể xảy ra, thay vào đó Indonesia cần phải nỗ lực hơn nữa nhằm thúc đẩy một lời cam kết từ phía các nhà lãnh đạo.
"Nhưng ngay cả điều đó thì cũng sẽ là vô cùng khó khăn. Bằng cách này hay cách khác, chúng ta phải đảm bảo rằng cuộc chiến của Nga sẽ được đề cập trong một tuyên bố của G20. Không giống như một hoạt động kinh doanh bình thường, đây là một điều cực kỳ khó khăn" - một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên nói với Reuters - "ít nhất 10 nước trong số các quốc gia G20 đã phản đối việc chỉ trích gay gắt Nga trong tuyên bố chung".
Cũng theo các nguồn tin, hoạt động chụp "bức ảnh gia đình" truyền thống của các nhà lãnh đạo G20 nhiều khả năng cũng bị cắt bỏ trong năm nay.
Trong khi Indonesia gần đây đã lên án tuyên bố của Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc, Tổng thống Jokowi vẫn khẳng định rằng G20 nên chỉ là một diễn đàn kinh tế.
Nhìn chung, giữa bối cảnh căng thẳng địa chính trị như hiện nay, G20 vẫn là một chiến thắng cho nước chủ nhà Indonesia - quốc gia đang phải vật lộn với vấn đề về ngân sách cho vaccine Covid-19, nỗ lực trong việc thành lập một quỹ dự phòng cho đại dịch và cam kết sẽ tài trợ 1,4 tỷ USD cho quỹ này.