Theo một nghiên cứu gần đây, ô nhiễm nhựa từ thuốc lá, gồm tàn thuốc và bao bì, gây thiệt hại ước tính lên đến 26 tỷ USD/năm trên toàn thế giới đối với lĩnh vực quản lý chất thải và bảo vệ hệ sinh thái biển.
Tính trong một thập kỷ, con số thiệt hại có thể lên đến 186 tỷ USD, đã được điều chỉnh theo lạm phát.
Trung tâm Toàn cầu về Quản trị hiệu quả trong Kiểm soát Thuốc lá, có trụ sở tại Thái Lan, cho biết Trung Quốc – nơi tiêu thụ một nửa số thuốc lá trên thế giới – đóng góp khoảng 20% khoản chi phí trên.
Trong một bài đăng trên tạp chí Tobacco Review vào ngày 28/11, tác giả của nghiên cứu trên Deborah Sy cho biết: “Mặc dù các quốc gia đã đạt được tiến bộ trong các chính sách về nhựa, đặc biệt là cấm các sản phẩm sử dụng một lần, chi phí do ô nhiễm nhựa từ thuốc lá vẫn luôn là vấn đề thế giới không thể ngó lơ”.
“Các nhà hoạch định chính sách giảm ô nhiễm nhựa nên xem đầu lọc thuốc lá là nguồn ô nhiễm phổ biển đối với môi trường biển. Các quốc gia cần xây dựng những dự toán đối với chi phí quản lý chất thải và tác động đối với hệ sinh thái để quy trách nhiệm gây ô nhiễm đối với ngành công nghiệp thuốc lá” – Chuyên gia này cho biết.
Tàn thuốc lá là một trong những thứ được xả ra môi trường nhiều nhất thế giới và là dạng ô nhiễm nhựa lớn thứ hai. Mặc dù các đầu lọc thường được đặt trong thuốc lá, chúng vẫn không thể ngăn chặn các tác động tiêu cực từ việc hút thuốc.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nhà hoạch định chính sách xem đầu lọc thuốc lá là loại nhựa sử dụng một lần, đồng thời xem xét cấm chúng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Do chứa các sợi vi nhựa và hàng trăm hóa chất độc hại như: nicotin và kim loại nặng như: chì, asen và cadmium, những bộ lọc thuốc lá đang đe dọa nghiêm trọng đến môi trường.
“Không chỉ là rác, tàn thuốc chẳng khác nào một quả bom hẹn giờ đang nhăm nhe đe dọa đến môi trường của chúng ta” – Bà Sy cho biết.
Chuyên gia này nhấn mạnh: “Rác thải từ thuốc lá đang là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước, đe dọa đến đời sống của các loài thủy sinh, bao gồm cả động vật biển khi chúng nuốt phải những tàn thuốc. Chúng tôi đã chứng kiến điều này khi loài chim trên đất liền nhầm tàn thuốc với thức ăn”.
Theo WHO, với hơn 300 triệu người hút thuốc – gần 1/3 tổng số toàn cầu, Trung Quốc nghiễm nhiên trở thành quốc gia sản xuất và tiêu thụ thuốc lá lớn nhất thế giới. Mỗi năm, ước tính hơn 1 triệu người Trung Quốc tử vong, tương đương 3000 người chết/ngày – do mắc phải các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: ung thư, bệnh phổi hoặc tim mạch.
WHO cũng cho biết việc dọn dẹp các bãi rác thuốc la khiến quốc gia tỷ dân tiêu tốn khoảng 2,6 tỷ USD/năm.
Theo bà Sy, nền kinh tế thứ hai thế giới có tỷ lệ rò rỉ nhựa – tỷ lệ chất này thải ra môi trường nước, đại dương – tương đối cao. Bà cũng ước tính rằng Trung Quốc đang đóng góp đến 20% tổng tổn thất trền toàn câu liên quan đến xử lý đầu lọc thuốc lá.
Bà Sy cho biết: “Bằng chứng rõ ràng nhất là những tổn thất tài chính của China Tobacco - một trong những công ty sản xuất thuốc lá lớn tại Trung Quốc, để bù đắp cho việc gây ô nhiễm môi trường do sản phẩm thuốc lá. Các công ty thuốc lá khác cũng cần phải chịu trách nhiệm tài chính khi các sản phẩm của họ gây tác động tới môi trường”.
Mặc dù con số trên chỉ là phần nhỏ so với những thiệt hại khổng lồ đối với ngành y tế mà các căn bệnh liên quan đến thuốc lá gây ra, chúng cũng thúc đẩy các quốc gia phải có những nghiên cứu sâu hơn cũng như ước tính cụ thể số tiền mà người gây ô nhiễm phải trả. – Bà nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này gợi ý rằng số tiền thu được từ công nghiệp thuốc lá có thể sử dụng để làm sạch các bờ biển, thay thế các hoạt động “green washing” – những hành vi đưa ra những tuyên bố sai lệch về môi trường - bằng những chiến dịch độc lập, hiểu quả và phù hợp với hiệp ước kiểm soát thuốc lá.