Tiêu điểm tuần qua: Bộ Giáo dục lên tiếng về sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT lên tiếng về sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục ; Hơn 22 triệu học sinh, sinh viên khai giảng năm học mới 2018-2019; Bộ Giao thông kết luận xác minh vụ "quỹ đen" Cục Đường thủy Nội địa... là nội dung chú ý tuần qua.

Việt Nam - Liên bang Nga: Đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đi vào chiều sâu

Ngày 6/9, tại TP Sochi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp hẹp và hội đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.

Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về sự phát triển toàn diện quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua và thống nhất cho rằng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên bang Nga là tài sản chung vô giá của hai dân tộc cần được giữ gìn và phát huy.

Tiêu điểm tuần qua: Bộ Giáo dục lên tiếng về sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục - Ảnh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Ảnh: TTXVN

Trong không khí hữu nghị, tin cậy cao và hiểu biết lẫn nhau, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã tập trung trao đổi ý kiến sâu rộng về các phương hướng và biện pháp lớn nhằm tạo xung lực mới thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực, nhất trí nỗ lực cao nhất đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí duy trì thường xuyên gặp gỡ, trao đổi đoàn cấp cao, tham vấn chính trị, đối thoại chiến lược trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan, bộ, ngành, chính quyền các địa phương của hai nước; nhất trí không ngừng củng cố sự tin cậy chính trị, làm nền tảng để thúc đẩy và mở rộng hợp tác toàn diện.

Hai bên nhất trí cùng phối hợp tổ chức thành công Năm Nga tại Việt Nam và Năm Việt Nam tại Nga nhân dịp hai nước kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga trong năm 2019 và kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020.

Về hợp tác kinh tế - thương mại, hai bên nhất trí đẩy mạnh các biện pháp nhằm khai thác tối đa hiệu quả của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Liên Chính phủ về Hợp tác Kinh tế - thương mại và Khoa học kỹ thuật trong việc đôn đốc, giám sát, thực hiện các thỏa thuận hợp tác, khuyến khích tìm kiếm các dự án trên các lĩnh vực năng lượng, dầu - khí, nông nghiệp, hạ tầng giao thông đô thị, thông tin và viễn thông…

Hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai hiệu quả các dự án đầu tư ưu tiên tại hai nước; tiếp tục rà soát, điều chỉnh để có cơ chế khuyến khích, đơn giản hóa các thủ tục và tiêu chuẩn cho hàng hóa của cả hai bên.

Hai bên khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh, thể hiện sự tin cậy giữa hai nước và phù hợp với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Về khoa học công nghệ, lãnh đạo hai nước nhất trí triển khai Dự án Trung tâm khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam, coi đây là dự án trọng điểm về hợp tác khoa học-công nghệ giữa hai nước trong việc nghiên cứu sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng khác, như giáo dục đào tạo, văn hóa, du lịch, hợp tác giữa các địa phương hai nước...

Hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm về một số vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Hai bên chia sẻ quan điểm chung về sự cần thiết giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp quốc. Việt Nam ủng hộ Nga tăng cường vai trò trong bảo đảm an ninh, hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Đông Nam Á và trên thế giới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trân trọng mời Tổng thống Nga sang thăm lại Việt Nam trong năm 2019. Tổng thống Vladimir Putin cảm ơn và vui vẻ nhận lời mời.

Hơn 22 triệu học sinh, sinh viên khai giảng năm học mới 2018 - 2019
Sáng 5/9, hơn 22 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước đã khai giảng năm học mới 2018-2019, đúng Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.
Trong ngày khai giảng, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới dự lễ khai giảng năm học mới, chung vui cùng học sinh, sinh viên trên toàn quốc. Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lễ khai giảng ở các trường được tổ chức ngắn gọn, đảm bảo trang nghiêm và hướng đến học sinh.
Tiêu điểm tuần qua: Bộ Giáo dục lên tiếng về sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục - Ảnh 2
Học sinh trường THCS Khương Đình (quận Thanh Xuân) tại lễ khai giảng năm học mới. Ảnh: Hồng Thái

Lễ khai giảng thống nhất tổ chức bắt đầu từ 7h30 đến 8h30, gồm các hoạt động: Chào cờ, hát Quốc ca; tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; đọc thư của Chủ tịch nước gửi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh (HS) nhân ngày khai trường. Sau khi hiệu trưởng nhà trường tuyên bố khai giảng năm học mới, đánh trống khai trường, sẽ là các hoạt động tập thể.
Năm học 2018 - 2019, toàn TP Hà Nội có gần 2 triệu HS, tăng 110.000 HS so với năm học trước. Để đáp ứng nhu cầu, các quận, huyện đã xây mới 74 trường học, bổ sung 1.597 phòng học, đồng thời đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học. Bên cạnh đó, chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Tại Lễ khai giảng, thầy và trò Trường THPT Chu Văn An vinh dự đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến dự, phát biểu và đánh trống khai trường. Cùng dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; đại biểu lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban, ngành của TP Hà Nội.
Tiêu điểm tuần qua: Bộ Giáo dục lên tiếng về sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục - Ảnh 3
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải dự lễ khai giảng tại trường THPT Chu Văn An. Ảnh: Thủy Tiên

Trường THPT Chu Văn An thành lập từ năm 1908, nổi tiếng với bề dày thành tích học tập và cơ sở vật chất tốt nhất ở Thủ đô Hà Nội. Là một ngôi trường có truyền thống hiếu học, Trường THPT Chu Văn An được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xếp vào nhóm trường có lớp chuyên trên địa bàn TP. Hàng năm điểm đầu vào khối lớp 10 của trường luôn đứng đầu toàn thành phố.
Phát biểu tại Lễ khai giảng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng những kết quả, thành tích xuất sắc của toàn ngành Giáo dục nói chung, ngành Giáo dục Thủ đô và Trường THPT Chu Văn An nói riêng trong những năm qua.
Chủ tịch nước nêu rõ, Trường THPT Chu Văn An là ngôi trường lâu đời, giàu truyền thống “Yêu nước - cách mạng - dạy tốt - học giỏi” của nền giáo dục Việt Nam. Trong suốt lịch sử hào hùng của dân tộc, nhiều thế hệ thầy giáo, cô giáo nhà trường đã nêu gương sáng về tài năng và đức độ, cống hiến hết mình cho nền giáo dục và sự nghiệp cách mạng nước nhà, như: Liệt sĩ- Giáo sư Dương Quảng Hàm, Giáo sư Tạ Quang Bửu, nhà giáo Ngô Gia Tự, nhà giáo Nguyễn Lân…
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, thầy và trò trường THPT Chu Văn An cần ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo, độc lập và khả năng kết nối học tập, tinh thần hợp tác.
Phát triển hơn nữa văn hóa đọc, góp phần tạo hành trang kiến thức toàn diện cho học sinh. Nâng cao trình độ ngoại ngữ, rèn luyện kỹ năng đáp ứng tốt mục tiêu hội nhập, phát triển và đào tạo công dân toàn cầu.
Tiêu điểm tuần qua: Bộ Giáo dục lên tiếng về sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục - Ảnh 4
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trò chuyện cùng cán bộ giáo viên và học sinh trường THCS Nam Phương Tiến A. Ảnh: Phạm Hùng

Cũng trong sáng 5/9, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã dự Lễ khai giảng năm học mới 2018 - 2019 tại trường Tiểu học Nam Phương Tiến A (huyện Chương Mỹ). Đây là ngôi trường đã bị ngập tới hơn 1m trong đợt lũ vừa qua.
Đến tặng hoa và chúc mừng nhà trường, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận, biểu dương thầy và trò nhà trường đã nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn để tiến hành khai giảng năm học mới theo đúng thời gian quy định.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng mong muốn trong năm học mới thầy và trò nhà trường sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, chú trọng giáo dục toàn diện, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh; tăng cường kĩ năng thực hành cũng như tích cực "xây dựng nhà trường văn hoá, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch".
Sáng cùng ngày, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã đến tặng hoa và chúc mừng thầy, trò trường mầm non Nam Phương Tiến A, trường THCS Nam Phương Tiến A.
Tiêu điểm tuần qua: Bộ Giáo dục lên tiếng về sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục - Ảnh 5
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc với học sinh trường THCS Phương Trung (Thanh Oai). Ảnh: Ánh Ngọc.

Sáng 5/9, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã tới dự và chúc mừng khai giảng năm học 2018 - 2019 cùng cô và trò trường THCS Phương Trung (Thanh Oai).

Hòa trong không khí tưng bừng của các trường trên địa bàn Thủ đô, sáng 5/9, trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa đã long trọng tổ chức lễ khai giảng đón chào năm học mới 2018-2019. Tới dự và chung vui với thày, trò nhà trường Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý.

Năm học 2018-2019, trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) có 30 lớp với hơn 1.000 học sinh. Trong đó, nhà trường đón gần 400 học sinh khối 10 được phân về 10 lớp… Để đón chào năm học mới, trường đã chú trọng tăng cường cơ sở vật chất và tập trung chủ yếu vào các trang thiết bị phục vụ dạy và học.

Với chủ đề "Nâng cao hiệu quả đổi mới, sáng tạo", năm học mới này, thầy và trò trường THPT Phan Huy Chú tập trung triển khai dạy và học theo chuyên đề; tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo; nỗ lực, đoàn kết để hoàn thành thắng lợi 9 nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GD&ĐT. Tại buổi lễ khai giảng, Hiệu trưởng Nhà trường, thầy giáo Hà Xuân Nhâm dặn dò các học trò: "Đoàn kết để an vui/ Rèn người, ơn đạo học/ Hiểu sâu và thương rộng/ Trí sáng soi suốt đời!".

Bộ GD&ĐT lên tiếng sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục

Tài liệu TV1 - CNGD là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS.TSKH Hồ Ngọc Đại thông qua các đề tài nghiên cứu. Tài liệu này đã được áp dụng trong dạy học ở trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội.

Bộ GD&ĐT căn cứ vào kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn Tiếng Việt ở lớp 1 tại trường Thực nghiệm và một số cơ sở giáo dục, đã đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học Tiếng Việt lớp 1. Nhất là ở những vùng khó khăn từ năm học 2008 2009 đến năm học 2016 – 2017 trên tinh thần tự nguyện của các địa phương.

Cho đến cuối năm 2016, sau khi tiếp thu ý kiến của Đại biểu quốc hội trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT đã giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai Tài liệu TV1-CNGD và đề xuất các giải pháp chỉ đạo.

Từ kết quả nghiên cứu, khảo sát, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã đánh giá việc triển khai Tài liệu Tiếng Việt 1 - CNGD ở các địa phương đạt được hiệu quả khả quan thông qua kết quả giáo dục học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên và đề xuất các giải pháp để tiếp tục sử dụng hiệu quả Tài liệu TV1 - CNGD.

Viện KHGD Việt Nam đề nghị Bộ GD&ĐT tổ chức Hội đồng thẩm định Tài liệu TV1 - CNGD theo quy định và đề nghị các tác giả tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện tài liệu này để đáp ứng nhu cầu của các địa phương.

Trong năm 2017 và 2018, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt lớp 1, cùng với việc rà soát, tinh giảm các nội dung chưa phù hợp với học sinh trong sách giáo khoa hiện hành, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia Tài liệu TV1 - CNGD.

Sau 2 vòng thẩm định, Hội đồng thẩm định đã đánh giá Tài liệu TV1 - CNGD về cơ bản đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kĩ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học.

Và dựa tên căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định Tài liệu TV1 - CNGD, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các sở GD&ĐT triển khai Tài liệu TV1 - CNGD phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017 - 2018 và năm học 2018 - 2019 ở những nơi đang triển khai và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Tài liệu TV1 - CNGD là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó, vùng dân tộc thiểu số” – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương “một chương trình nhiều sách giáo khoa”, tất cả các tài liệu dạy học được đưa vào nhà trường với tư cách là sách giáo khoa đều phải được Hội đồng quốc gia thẩm định.

Và, căn cứ vào kết luận và đề xuất của Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ phê duyệt danh mục sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới được phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đó, căn cứ vào các quy định, các cơ sở giáo dục được phép lựa chọn sách giáo khoa phù hợp.

GS Hồ Ngọc Đại giải đáp những vấn đề gây tranh cãi trong giáo dục

Câu chuyện công nghệ giáo dục (CNGD) khiến dư luận phản ứng dữ dội, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa về các nội dung như: cách đánh vần, ghép vần lạ lùng; nhận biết tiếng theo ô vuông, hình tròn…

GS Hồ Ngọc Đại trong buổi trò chuyện. Ảnh: Đăng Khoa

Nhiều chuyên gia về sư phạm, ngôn ngữ phản đối, còn các giáo viên tiểu học đã được thực nghiệm chương trình lại lên tiếng ủng hộ. Phía ủng hộ thì ủng hộ mạnh mẽ, người phản đối cũng có những tiếng nói hợp tình, hợp lý, khiến cho vấn đề trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Sáng 8/9, GS Hồ Ngọc Đại chính thức lên tiếng về chương trình công nghệ giáo dục này. Trước tiên, về các học chữ theo cách ký hiệu bằng các hình vuông, hình tròn, ông cho biết mục đích của việc này là để học sinh nắm được tiếng nói, phân biệt được tiếng nói và chữ viết.

Theo ông, tiếng nói là vật thật, âm nghe được là vật thật; còn chữ cái chỉ là vật thay thế, có quy tắc, quy ước riêng. “Trẻ ngay từ lớp 1 sẽ phân biệt được tiếng nói là vật thật. Vật thay thế thì có thể thay đổi thoải mái. Ví dụ âm a thay bằng chữ /a/, bờ thay bằng chữ /b/, cờ thay bằng /c/, /k/, /q/. Chẳng hạn như tiếng /ba/, các cô không thể dạy trẻ là /bê/ - /a/ - /ba/, vì /bê/ là chữ, không phải âm” - GS Hồ Ngọc Đại nói.

Chia sẻ thêm về việc ghép vần tạo thành các chữ vô nghĩa, ông cho biết, ngữ âm và tiếng nói là hai phạm trù khác biệt nhau. Học sinh lớp 1 chỉ cần phân tích về âm, chưa xét đến ngữ nghĩa. Khi đã có âm, nếu âm có nghĩa thì trở thành từ, sau đó đọc thành tiếng. “Trước hết học sinh phải phiên âm được, viết được tiếng nói, thì các cháu mới không tái mù chữ”.

Từ quan điểm này, ông xây dựng cách đánh vần dựa trên tiếng nói hằng ngày. Ông hướng đến việc giúp trẻ sử dụng tiếng nói, đọc thông viết thạo. “Khi 100% dân cư đi học thì ngôn ngữ đó là ngôn ngữ hàng ngày, chứ không chỉ học trong sách vở. Trẻ phải nghe được, nói được, viết được ngôn ngữ đó” - GS Hồ Ngọc Đại thẳng thắn.

Sau buổi nói chuyện dài 2 tiếng, những vấn đề xung quanh công nghệ giáo dục chỉ mới được giải đáp phần nào. GS Hồ Ngọc Đại cho biết, ông vẫn lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp, xây dựng về chương trình công nghệ giáo dục của mình.

Hà Nội: Xây dựng chính quyền theo hướng đô thị thông minh

Sáng 7/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội thảo lấy ý kiến góp ý của Hội đồng lý luận T.Ư, các chuyên gia, nhà khoa học và các đồng chí nguyên lãnh đạo TP vào dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) tại TP Hà Nội.

Cùng chủ trì hội thảo có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn…

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị là nhiệm vụ quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện qua Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng, các hội nghị T.Ư, nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tiễn về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền đô thị các cấp nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước, giữ vị trí đặc biệt quan trọng, là nơi tập trung các cơ quan T.Ư của toàn bộ hệ thống chính trị. Đồng thời, cũng là TP lớn với mật độ dân số cao.

Khu vực đô thị của TP với kết cấu hạ tầng kỹ thuật đã được xây dựng cơ bản đồng bộ, thống nhất và tương đối hoàn chỉnh, không phụ thuộc vào địa giới hành chính quận, phường. Khu vực nông thôn và đô thị cũng không còn bị cản trở bởi khoảng cách địa lý.

Tại các huyện, xã đang diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh chóng, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống của Nhân dân có sự đan xen giữa các yếu tố của nông thôn và đô thị và ngày càng phát triển theo hướng đô thị hóa...

Tuy nhiên, tổ chức chính quyền các cấp ở TP Hà Nội hiện nay trên thực tế còn có một số hạn chế, bất hợp lý, cả về phân định nhiệm vụ, quyền hạn; cơ cấu tổ chức bộ máy; phương thức hoạt động, cơ chế điều hành, chính sách phân cấp quản lý trên một số lĩnh vực chưa phù hợp với đối tượng, đặc thù quản lý ở đô thị và quá trình đô thị hóa ở khu vực nông thôn đang thay đổi nhanh chóng.

Tại hội nghị, đa số các đại biểu đều cho rằng, dự thảo Đề án thí điểm mô hình CQĐT tại TP Hà Nội đã được thực hiện nghiêm túc, công phu, khoa học và đưa ra được 2 mô hình tổ chức CQĐT rất rõ ràng.

Theo PGS.TS Lê Minh Thông - Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, qua nghiên cứu dự thảo Đề án CQĐT của TP Hà Nội đến thời điểm này cho thấy cơ bản đã hoàn chỉnh và có tính khả thi cao. Tuy nhiên, PGS.TS Lê Minh Thông cho rằng, cần làm rõ thêm tư duy quản lý của CQĐT, chính quyền nông thôn và cách thức vận hành trong CQĐT TP Hà Nội. CQĐT phải gọn bộ máy, gọn tổ chức nhưng vẫn rõ thẩm quyền và cách thức hành động để phục vụ Nhân dân được tốt hơn.

Còn nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, Đề án này cần tập trung vào xây dựng mô hình chính quyền Thủ đô Hà Nội và tên gọi của Đề án cũng nên thay đổi theo hướng đó. Bởi, CQĐT thì chung chung và các đô thị lớn khác trên cả nước cũng đang làm.

Bày tỏ đồng tình với ý kiến này, nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết, Hà Nội là Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị của cả nước và có tính chất rất đặc thù. Vì vậy, xây dựng CQĐT tại TP Hà Nội là mong muốn xác đáng. Tuy nhiên, đây là mô hình rất khó nên cần thận trọng và phải thể hiện rõ tính đặc thù xây dựng CQĐT của Thủ đô. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư Phùng Hữu Phú lại cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nên xây dựng mô hình quản lý đô thị thông minh ở Thủ đô Hà Nội. Bởi, vấn đề quản lý lúc này không chỉ là phân cấp, phân quyền mà tương tác, kết nối…

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, Hà Nội là một đô thị, Thủ đô đặc biệt và có vai trò vị trí quan trọng. Vì vậy, trong quá trình phát triển hiện nay thách thức đối với TP cũng rất lớn. Điều này đòi hỏi phải có những có chế, chính sách đặc thù để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Làm rõ thêm về nội dung nổi bật cũng như điểm nhấn của Đề án, Bí thư Thành ủy cho biết, đó chính là để xây dựng một chính quyền hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu, vị thế, vai trò của Thủ đô cũng như nhu cầu của người dân. Trong Đề án này cũng đã đưa vào kế hoạch phát về triển chính quyền điện tử và đô thị thông minh.

“Cái lõi của Đề án này là làm thế nào để tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự quản của TP; làm thế nào để hệ thống chính trị, chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn và tăng cường phân cấp được; không chỉ phân cấp từ T.Ư xuống địa phương mà phân cấp ngay từ TP xuống quận, huyện, thị và từ quận, huyện, thị xuống xã phường” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Công bố kết luận việc khiếu nại của người dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm
Ngày 7/9, Thanh tra Chính phủ đã chính thức công bố kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTM), TP Hồ Chí Minh. Theo đó, một số nhóm nội dung mà người dân tập trung khiếu nại như thu hồi đất ngoài ranh, 160ha đất tái định cư bị hô biến đều có cơ sở.
Khu đô thị Thủ Thiêm. Ảnh Dân trí
Một trong những nhóm nội dung khiếu nại gay gắt nhất của một bộ phận người dân có đất bị thu hồi trong dự án đầu tư xây dựng KĐTM Thủ Thiêm là việc thu hồi đất ngoài ranh.
Theo kết luận thanh tra, về ranh giới quy hoạch, việc UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 tại Quyết định số 13585/KTST-QH ngày 16/9/1998, trong đó:
Điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền (giảm 23,3ha đất đã giao dự án cho 5 DN trước đó nhưng vẫn lập và trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch 1/5.000), nhất là việc tăng 4,3ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 không đúng quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; vị trí, giới hạn quy hoạch được phê duyệt không thống nhất về tên gọi so với bản đồ và thực địa. Trách nhiệm trực tiếp thuộc Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh, các sở, ngành liên quan và UBND TP.
Thanh tra Chính phủ kết luận: "Việc khiếu nại của người dân về ranh quy hoạch đối với 4,3ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 nằm ngoài ranh quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ là có cơ sở, cần sớm được xem xét và có giải pháp giải quyết phù hợp".
Về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, UBND TP đã quyết định thu hồi đất đối với phần diện tích 4,3ha thuộc khu phố 1, phường Bình An để thực hiện một số dự án trong KĐTM Thủ Thiêm (phần lõi với diện tích 770ha) là chưa đủ cơ sở pháp lý, không đúng với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần sớm xem xét, có giải pháp giải quyết phù hợp.
Như vậy, việc khiếu nại của người dân về ranh giới quy hoạch đối với 4,3ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 nằm ngoài ranh giới quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ là có cơ sở, cần sớm được xem xét và có giải pháp giải quyết phù hợp.
Nhóm nội dung thứ 2 mà người dân khiếu nại gay gắt nhất đó là việc khu tái định cư 160ha đã bị "hô biến", thay vì xây dựng tập trung thành phố đã chia năm xẻ bảy.
Theo kết luận thanh tra, về Khu tái định cư 160ha, UBND TP Hồ Chí Minh đã vi phạm các quy định của pháp luật trong việc lập, trình, phê duvệt quy hoạch và thu hồi đất trong phạm vi Khu tái định cư 160ha thuộc 5 phường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. TP đã phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương tạm giao, thu hồi và giao đất cho 51 dự án với tổng diện tích 144,6ha để đầu tư kinh doanh nhà ở, văn phòng, khu vui chơi, giải trí, công trình công cộng... sau khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch khu tái định cư.
Cũng theo kết luận thanh tra, hậu quả của việc lấy đất giao cho DN là không đủ đất để bố trí tái định cư theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 367/TTg và Văn bản số 190/CP-NN, dẫn đến, làm phá vỡ quy hoạch được phê duyệt, việc đầu tư xây dựng KĐTM Thủ Thiêm bị đình trệ do người dân khiếu nại kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo thực hiện một số nội dung chủ yếu sau: Đối với UBND TP Hồ Chí Minh: Xác định rõ, cụ thể về trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm như kết luận đã nêu, trên cơ sở đó thực hiện: (1) kiểm điểm, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; thu hồi đất, đền bù, tái định cư; việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu, bản đồ... để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật;
Công khai, nhận trách nhiệm về những khuyết điểm, vi phạm, dẫn đến khiếu nại kéo dài trong thời gian vừa qua. Căn cứ vào Kết luận kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, UBND TP rà soát, hoàn thiện để tiếp tục thực hiện quy hoạch KĐTMTT, trong đó có khoảng 4,3ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 theo đúng quy định của pháp luật.
Rà soát từng trường hợp cụ thể người dân đang khiếu nại, đặc biệt là các hộ dân nằm trong khu vực khoảng 4,3ha ngoài ranh quy hoạch thuộc Khu phố 1, phường Bình An, quận 2 để bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phù hợp cho người dân, sớm chấm dứt khiếu nại.
Phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành liên quan (Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường) để kiểm tra, rà soát, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm trong việc quy hoạch, giao đất, thực hiện đầu tư tại các dự án thuộc các Khu tái định cư theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...
Bộ Giao thông kết luận xác minh vụ "quỹ đen" Cục Đường thủy Nội địa
Bộ Giao thông Vận tải vừa có kết luận số 9633/KL-BGTVT về thông tin phản ánh trên báo chí về "nghi vấn" quỹ đen tại Cục Đường thủy nội địa.
Theo đó, ngay sau khi có thông tin phản ánh, Tổ xác minh của Bộ Giao thông đã làm việc với ông Phạm Văn Thông, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa (trước đây thuộc Cục Đường thủy nội địa).
rụ sở Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
Theo tổ công tác, ông Thông thừa nhận, cuối năm 2015 đến 2016, một số nhà thầu đã đến phòng làm việc của ông đưa tiền và ông đã nhận hơn 4,8 tỷ đồng của 15 nhà thầu. Ông Thông cũng khai "việc đưa tiền này theo chỉ đạo bằng miệng của ông Trần Đức Hải, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam".
Tổng cộng có 9 cá nhân là chuyên viên, trưởng các phòng nghiệp vụ của Cục Đường thủy nội địa đề xuất chi, sau đó lấy tiền từ ông Phạm Văn Thông để chi phí chung cho Cục Đường thủy nội địa 406 triệu đồng. Còn lại, ông Thông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về gần 4,4 tỷ đồng.
Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong quá trình Tổ điều tra xác minh, hồ sơ, tài liệu báo chí cung cấp, có dấu hiệu ngụy tạo chứng cứ pháp lý, song chưa xác định được cá nhân, tổ chức nào.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, do chưa có kết quả đối chất, thẩm vấn các nhân chứng, Tổ xác minh chỉ xác minh đối với ông Thông, từ lời khai một phía của ông Thông cho rằng có sự chỉ đạo bằng miệng của ông Trần Đức Hải. Vì vậy, nội dung phản ánh chưa đủ căn cứ để kết luận có sự chỉ đạo của ông Hải.
Căn cứ vào kết luận nêu trên, Bộ Giao thông Vận tải giao Thanh tra Bộ ban hành quyết định thu hồi số tiền 406 triệu đồng của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và ban hành quyết định thu hồi 4,39 tỷ đồng của ông Phạm Văn Thông.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ thực hiện chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra (Bộ Công an), kể cả 2 tài liệu có dấu hiệu ngụy tạo chứng cứ (khi Cơ quan điều tra Bộ Công an có yêu cầu).
Nguyên nhân xảy ra sai phạm được Bộ Giao thông Vận tải đánh giá là do lỗi chủ quan của các cá nhân tham mưu cùng lãnh đạo Cục, do sự thiếu hiểu biết pháp luật ở tất cả các cấp. Trách nhiệm này trước hết thuộc về người đứng đầu là Cục trưởng Đường thủy nội địa Việt Nam, sau đó là các Phó cục trưởng, Trưởng phòng nghiệp vụ và chuyên viên tham mưu.
"Hành vi thu tiền của các nhà thầu, hành vi duyệt chi cho hội nghị, hội thao, ăn uống, tiếp khách... của Cục Đường thủy nội địa là vi phạm pháp luật, mức độ là nghiêm trọng", kết luận của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu tổ chức kiểm điểm đối với ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa; ông Trần Đức Hải, Phó Cục trưởng ông Trần Văn Thọ, nguyên Phó Cục trưởng, nay là Thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, do có sai sót trong việc ký duyệt, để cá nhân lấy tiền từ ông Thông.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đã có quyết định thu hồi số tiền 4,3 tỷ đồng của ông Thông và thu hồi số tiền 406 triệu đồng của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam do sai phạm để các cá nhân lấy tiền từ ông Thông, nộp vào ngân sách Nhà nước thông qua tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải.
Còn với Cục Đường thủy, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và theo phân cấp, kịp thời, khẩn trương tổ chức kiểm điểm nghiêm khắc trách nhiệm của các cá nhân có liên quan theo kết luận.