Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu dùng trong tuần (từ 4-10/9/2023): Trái cây ngoại giá rẻ tràn ngập thị trường

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng, nhãn, nho, táo, tour du lịch quốc tế... đồng loạt giảm; trong khi giá sầu riêng, rau củ tăng mạnh. 

Trái cây ngoại giá rẻ tràn ngập thị trường. Ảnh minh họa  
Trái cây ngoại giá rẻ tràn ngập thị trường. Ảnh minh họa  

Giá vàng thế giới giảm 

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng trên thị trường quốc tế ở quanh ngưỡng 1.919 USD/ounce, đi ngang so với chốt phiên trước tại thị trường này.

Tuần qua, giá vàng thế giới chịu áp lực khi chỉ có 2 phiên tăng, 4 phiên giảm. Nguyên nhân chính là do Mỹ công bố các chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực dịch vụ tháng 8 đều có tín hiệu tích cực, nằm trền mức mở rộng. Chỉ số lao động việc làm cũng tăng mạnh trong tháng 8.

Cùng với đó, ngày 7/9 Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua giảm mạnh. Cụ thể, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần trước chỉ ở mức 216.000 đơn, thấp hơn tuần trước đó mức 229.000 đơn và mức dự báo là 234.000 đơn. Đây là tuần thứ 4 số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ giảm liên tiếp kể từ ngày 17/8.

Các tín hiệu kinh tế PMI duy trì ở trên mức 50 điểm cho thấy các đơn đặt hàng đang gia tăng tại Mỹ. Điều này sẽ giúp cho nền kinh tế phục hồi tốt trong tương lai. Cùng với đó, thị trường lao động việc ổn định đã dấy lên lo ngại Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa dừng tăng lãi suất, khi lạm phát còn ở mức cao gấp hơn 2 lần mức mục tiêu.

Tín hiệu kinh tế phục hồi, đồng USD mạnh lên đã khiến giới đầu tư đẩy mạnh bán kim loại quý. Chuyên gia dự báo, giá vàng vẫn còn chịu áp lực cho đến khi Fed quyết định chính sách tiền tệ vào ngày 19-20/9 này. Tính chung trong tuần giá vàng thế giới đã giảm mạnh 22 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.

Trong nước, giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, giao dịch trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 68,05 - 68,85 triệu đồng/lượng, giữ giá chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng bán ra so với chốt phiên trước. 

Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu 68,12 - 68,83 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã tăng đến 190.000 đồng/lượng.

Tuần qua, giá vàng SJC đã nhảy vọt lên mức 68,9 triệu đồng/lượng, bất chấp giá vàng thế giới giảm. Tính chung trong tuần giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji đã tăng 550.000 đồng và tại Bảo Tín Minh Châu đã tăng 580.000 đồng/lượng vàng miếng so với giá mở cửa tuần.

Cho đến thời điểm này, chưa có nhận định nào trên thị trường về sự tăng giá đột biến của vàng SJC trong nước. Trong khi đó, thị trường vàng vẫn khá ảm đạm không có sự kiện nào khiến nhà đầu tư hay người dân “đổ xô” đi mua vàng.

Sầu riêng đội giá vì nhu cầu thu mua tăng đột biến

Tháng 9 là thời điểm vùng sầu riêng lớn nhất nước - vùng sầu riêng tại Tây Nguyên vào vụ thu hoạch rộ. Trong bối cảnh sầu riêng các nước khác không còn hoặc chỉ còn sản phẩm đông lạnh thì sầu riêng tươi của Việt Nam càng có nhiều cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Tại Đắk Lắk - địa phương có diện tích sầu riêng lớn thứ 2 cả nước, giá sầu riêng tại vườn đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại một trong những vườn sầu riêng của bà con nông dân xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, giống sầu riêng bà con trồng ở đây là Thái Dona. Thời điểm này năm ngoái, giá thu mua tận vườn cao lắm là 55.000/kg, còn năm nay là hơn 80.000/kg. Thậm chí có nhiều vườn được thương lái chốt mức giá 90 - 100.000 đồng/kg, tăng hơn 40% so với vài năm trở lại đây. 

Theo khảo sát, với giá bán hiện tại, hộ nào có 1 ha sầu riêng có thể thu lãi hơn 1,6 tỷ đồng. Hộ nào bị mất mùa 50% do các đợt thời tiết xấu vẫn có thể thu lãi 800 triệu đồng/ha. Nguyên nhân chính khiến sầu riêng đội giá như thế vì nhu cầu thu mua tăng đột biến, thương lái tranh mua tranh bán.

Giá nhiều loại nhãn ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm

Giảm mạnh nhất là nhãn xuồng cơm vàng và thanh nhãn, với mức giảm lên đến vài chục ngàn đồng trên mỗi ký do bước vào rộ mùa thu hoạch chính vụ. Còn giá long nhãn, tiêu da bò, Ido... hiện cũng giảm ít nhất từ 2.000 - 10.000 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tháng.

Hiện nhãn tiêu da bò và long nhãn được nông dân nhiều nơi bán xô cho thương lái và các vựa thu mua trái cây với giá 8.000 - 9.000 đồng/kg. Giá nhãn Ido ở mức 16.000 - 18.000 đồng/kg, nhãn xuồng cơm vàng 18.000 - 20.000 đồng/kg, thanh nhãn 25.000 - 35.000 đồng/kg.

Giá giảm do nguồn cung dồi dào và mùa này có nhiều loại nhãn để người tiêu dùng lựa chọn, cũng như đầu ra xuất khẩu nhiều loại nhãn còn hạn chế.

Giá rau củ tăng cao

Theo thông tin từ chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh), giá bán sỉ nhiều loại rau củ Đà Lạt tại chợ hiện neo ở mức cao, tăng 30-60% so với thời điểm giá ổn định của các tháng trước đó.

Cụ thể, cải thảo Đà Lạt 15.000 đồng/kg, bắp cải tròn 16.000 đồng/kg, hành tây 18.000 đồng/kg, bông cải trắng và bông cải xanh 35.000 đồng/kg, cà chua 22.000 đồng/kg, cà rốt 28.000 - 30.000 đồng/kg, khoai tây hồng và hành lá (hành hương) 35.000 đồng/kg.

Ngoài ra, một số mặt hàng khác giá cũng ở mức cao như khoai lang bí Tây Nguyên 17.000 đồng/kg, đậu cove trắng 22.000 đồng/kg, gừng già Buôn Ma Thuột 53.000 đồng/kg, hành đỏ Vĩnh Châu (Sóc Trăng) 60.000 đồng/kg, tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi) 130.000 đồng/kg...

Ngược lại, theo thông tin chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, nhờ nguồn cung dồi dào nên giá bán sỉ một số mặt hàng rau củ khác tại chợ chỉ tăng nhẹ so với các tháng trước, hoặc vẫn giữ ổn định như bầu và bí đao 6.000 đồng/kg, khổ qua 7.000 đồng/kg, cải ngọt 8.000 đồng/kg, dưa leo và cải xanh 12.000 đồng/kg, bí đỏ Trà Vinh 10.000 đồng/kg, xà lách búp 15.000 đồng/kg...

Trong khi đó, theo ghi nhận tại nhiều chợ và siêu thị ở TP Hồ Chí Minh, giá bán lẻ đối với hầu hết các loại rau củ Đà Lạt hiện ở mức cao. Cụ thể, bắp cải tròn và cải thảo 22.000 - 27.000 đồng/kg, hành tây 28.000 đồng/kg, cà chua 35.000 đồng/kg, khoai tây hồng và cà rốt 40.000 - 55.000 đồng/kg...

Ông Lưu Lập Đức, giám đốc Công ty Agri Đức Tiến (Lâm Đồng), cho biết giá nhiều loại rau củ Đà Lạt tăng dần khoảng hơn 1-2 tháng nay và hiện ở mức khá cao, thậm chí có loại giá bán tăng gấp đôi so với các tháng nắng có giá ổn định.

"Mưa nhiều thời gian qua khiến sản lượng rau củ tại Đà Lạt và Lâm Đồng sụt giảm, thêm vào đó nguồn cung nhiều loại rau ở miền Trung, thậm chí miền Bắc cũng đang ở mức thấp vì thời tiết xấu. Nhiều vùng sản xuất rau củ cùng giảm sản lượng, khiến các vựa rau củ ở Lâm Đồng phải cung cấp thêm cho nhiều nơi. Cung thiếu cầu, đẩy giá tăng", ông Đức lý giải.

Theo ông Đức, thời gian tới, thời tiết chưa nắng ráo trở lại, thêm vào đó một số diện tích chuyển qua trồng hoa để phục vụ cuối năm. Do đó, nguồn cung nhiều loại rau củ Đà Lạt có thể còn thấp, đẩy giá bán duy trì ở mức cao.

Nhiều loại trái cây nhập ngoại giá siêu rẻ

Đơn cử như nho sữa Trung Quốc, thời điểm mới xuất hiện tại thị trường Việt có 300.000 - 400.000 đồng/kg, 2-3 năm trở lại đây loại quả này đổ bộ thị trường giá ngày càng rẻ. Trên “chợ mạng”, một số đầu mối bán nho sữa với giá 50.000 - 55.000 đồng/kg.

Hay lựu đỏ nữ hoàng cũng giảm giá một nửa, còn 35.000 đồng/kg; táo gala mới chớm mùa giá cũng chỉ 20.000 đồng/kg.

Chị Đinh Thị Kim, đầu mối bán trái cây online lớn tại Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết, kho hàng của chị đang bán đều đặn khoảng 35 loại trái cây cả nội địa và nhập khẩu. Trong đó, riêng trái cây nhập khẩu có khoảng 20 loại, đa phần có giá rất rẻ.

Chị Kim thường bán trái cây nhập khẩu theo rành hoặc thùng, trọng lượng tuỳ từng loại quả. Theo đó, nho sữa là mặt hàng có giá cao nhất 200.000 đồng/rành 3,5-4kg (50.000 - 57.000 đồng/kg); nho ruby và nho đỏ to giá từ 35.000 - 50.000 đồng/kg; lựu Mông tự 12.000 đồng/kg; lựu đỏ nữ hoàng 28.000 đồng/kg/kg; lựu Vip 25.000 đồng/kg. 

Tương tự, táo gala giá chỉ 20.000 đồng/kg, táo Nam Phi 45.000 đồng/kg; dưa cát vàng giảm còn 15.000 đồng/kg...

“So với mặt bằng trái cây Việt Nam tôi đang bán, giá trái cây nhập khẩu rẻ không kém”, chị Kim nói. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, dù trái cây nhập khẩu giá rất rẻ song lượng hàng bán ra so với cùng kỳ năm ngoái lại giảm mạnh.

Những năm trước, một ngày chị Kim có thể bán 6-7 tấn trái cây các loại, thì nay con số này chỉ còn 4-5 tấn. Chưa kể, do tiêu thụ chậm nên gần như ngày nào chị cũng phải xả hàng bán rẻ 1-2 mã trái cây để giải phóng kho, lấy chỗ về lô mới.

Không nằm trong top giá rẻ nhưng gần đây, chị Vương Thái Anh ở Thanh Xuân (Hà Nội), cũng bán chà là tươi nhập khẩu với giá 150.000 - 200.000 đồng/kg, giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước. Chà là khô giá dao động từ 90.000 - 120.000 đồng/kg. 

Trong khi đó, quýt Úc chị bán 350.000 đồng/thùng 9-10kg, tính ra chỉ 35.000 - 39.000 đồng/kg. Hay cherry Mỹ cũng giảm 40-50% về mức 200.000 - 270.000 đồng/kg tuỳ size.

Anh Phạm Văn Tiến - đầu mối bỏ sỉ trái cây ở Lào Cai - thừa nhận, nhiều loại trái cây mới bước vào vụ thu hoạch nhưng giá đã siêu rẻ. 

Anh dẫn chứng, táo bia anh đang bỏ sỉ giá 110.000 đồng/thùng 7,5kg, nho sữa giá 560.000 đồng/rành 13kg, nho ruby 150.000 đồng/thùng 5kg, táo tàu giá 350.000 đồng/thùng 10kg...

“Năm nay, nhiều loại trái cây được mùa nhưng thu nhập của người dân giảm, ăn ít đi. Thế nên, hàng dội chợ, giá đều chung xu hướng giảm mạnh”, anh nói.

Giá trái cây đổ sỉ thường dao động theo ngày. Mức giá trên là anh đổ sỉ theo đầu tạ tại Lào Cai, khách sỉ lấy theo đầu tấn còn rẻ hơn.

Sau nghỉ lễ 2/9, hàng loạt tour du lịch quốc tế giảm giá mạnh

Ngay sau kỳ nghỉ Quốc khánh 2/9, các doanh nghiệp lữ hành giảm giá mạnh hàng loạt tour du lịch quốc tế nhằm kích cầu.

Trong đó, phần lớn là tour du lịch tới các nước châu Á như tour du lịch Hàn Quốc 5 ngày 4 đêm khởi hành từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được giảm giá từ 15,9 triệu đồng xuống 14,9 triệu đồng/người; tour du lịch đảo Bali (Indonesia) giảm từ 13,9 triệu đồng xuống 11,9 triệu đồng/người; tour du lịch Đài Loan (Trung Quốc) 5 ngày 4 đêm giảm từ 12,9 triệu đồng xuống 9,9 triệu đồng/người; tour Dubai 5 ngày 4 đêm dược giảm giá từ 32,9 triệu đồng xuống 29,9 triệu đồng/người; tour du lịch Thái Lan 5 ngày 4 đêm giảm từ 6,7 triệu xuống 6,5 triệu đồng/người...

Ông Trần Văn Xuân - Giám đốc Công ty CP thương mại dịch vụ Travelive Việt Nam - cho biết, sau kỳ nghỉ lễ, giá của nhiều tour du lịch quốc tế được giảm khoảng 30% so với cao điểm hè. Nguyên nhân được ông Xuân lý giải là chủ yếu do các hãng hàng không giảm giá vé máy bay.

"Vé máy bay chiếm một phần rất lớn trong cơ cấu giá tour du lịch. Khi qua mùa cao điểm hè cũng như kỳ nghỉ lễ 2/9, các hãng hàng không đều hạ giá vé về mức rất hấp dẫn. Do đó, giá tour du lịch cũng giảm đáng kể. Cộng với chính sách ưu đãi của các doanh nghiệp lữ hành nhằm kích cầu, giá tour càng trở nên hấp dẫn hơn", ông Xuân nói.

Kỳ vọng những ngày tới lượng khách còn tăng mạnh hơn, ông Xuân nhận định: "Mùa cao điểm đã đi qua, các doanh nghiệp cũng không còn chương trình du lịch, học sinh thì trở lại năm học mới, lượng khách Việt Nam xuất ngoại đi du lịch sẽ khó bùng nổ. Tuy nhiên, với mức giá ưu đãi hiện nay, thời gian tới có thể vẫn thu hút được một bộ phận du khách đi lẻ, đó hầu hết là những người chuộng săn tour giảm giá sau nghỉ lễ. Công ty của tôi cũng đã có khách đặt tour xuất ngoại trong các tháng 9-10".

Chung nhận định, đại diện một doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội cho biết, mùa du lịch của Việt Nam đã kết thúc, hơn nữa khách đã đến các địa điểm trong nước trong mùa hè vừa qua. Vì thế, thời điểm cuối năm du khách Việt có xu hướng chuyển hướng đi du lịch quốc tế. Do đó, những tour du lịch đến các nước trong khu vực có mức giá ưu đãi là những lựa chọn được ưu tiên hàng đầu.

Giá xăng tăng lần thứ 6 liên tiếp

Tại kỳ điều hành gần đây nhất (ngày 5/9), liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu như sau: Xăng E5 RON 92 tăng 140 đồng/lít; Xăng RON 95 tăng 270 đồng/lít; Dầu diesel tăng 290 đồng/lít; Dầu hoả tăng 500 đồng/lít; Dầu mazut giảm 280 đồng/kg.

Theo đó: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 23.459 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 24.847 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 20.389 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 21.190 đồng/lít; Dầu mazut không cao hơn 16.578 đồng/kg

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 24 lần điều chỉnh, trong đó 14 lần tăng, 7 lần giảm, và 3 lần giữ nguyên.