Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm giải pháp hút vốn tư nhân vào các dự án hạ tầng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/3, nhân chuyến công tác đến Việt Nam, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Bambang Susantono đã có buổi họp mặt và trao đổi với truyền thông về báo cáo quan trọng mới được ADB công bố với nhan đề "Đáp ứng Nhu cầu về Cơ sở hạ tầng của châu Á”; những vấn đề liên quan đến nhu cầu, tài trợ cho phát triển hạ tầng ở Việt Nam.

Cơ sở hạ tầng đang chạy sau phát triển kinh tế

Theo ước tính của ADB, nếu muốn duy trì đà tăng trưởng tới năm 2030, nhu cầu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở các nước mới nổi khu vực châu Á - Thái Bình Dương lên tới 26.000 tỷ USD, tương đương 1.700 tỷ USD mỗi năm (tính cả chi phí giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu). Số liệu này cao hơn gấp đôi so với ước tính của ADB năm 2009. “Nhu cầu về cơ sở hạ tầng ở châu Á và Thái Bình Dương vượt xa so với mức cung hiện thời. Châu Á cần xây mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng để thiết lập tiêu chuẩn chất lượng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ứng phó thách thức cấp bách toàn cầu là biến đổi khí hậu”, báo cáo của ADB nhận định.

Cầu Nhật Tân là một trong những dự án có sự hỗ trợ của Nhật Bản. Ảnh: Chiến Công

Theo ADB, trong giai đoạn 2016 - 2020, mức thiếu hụt vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở khu vực này là 2,4% GDP. Không đưa ra con số cụ thể tại Việt Nam nhưng các chuyên gia của ADB nhận xét, tổng đầu tư của Việt Nam vào khoảng 25% GDP và cơ sở hạ tầng chiếm 6% trong số này. ADB đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông trong khu vực. “Đây là tiền đề quan trọng để có thể tăng cường kết nối và đảm bảo sự tăng trưởng giữa nông thôn và thành thị” - ông Bambang Susantono nói.

Tuy vậy, ADB nhận xét, trong lĩnh vực giao thông ở Việt Nam, khu vực đầu tư Nhà nước vẫn là chính. ADB cho biết, có 2 quốc gia thành công trong thu hút tư nhân vào lĩnh vực này là Trung Quốc và Ấn Độ. Ông Bambang Susantono cũng cho rằng, nếu dùng nguồn vốn công thì nên dùng nguồn thu thuế hàng năm từ sử dụng giá trị tăng thêm từ đất để phát triển cho cơ sở hạ tầng như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tạo cơ chế để tư nhân cùng tham gia

ADB gợi ý những chính sách để lấp đầy khoảng thiếu hụt nhằm cải thiện thu hút nguồn vốn là: Cải cách tài khóa như: Cải cách thuế, Tái định hướng chi tiêu, Vay mượn thận trọng, Các khoản thu ngoài thuế; Thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư: Tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, Tận dụng nhiều hơn phương thức hợp tác công - tư (PPP), Làm sâu sắc hơn các thị trường vốn; Lập kế hoạch, thiết kế và thực thi tốt hơn.

Tỷ lệ thu ngân sách của Việt Nam đang có xu hướng giảm xuống, chi tiêu phải hiệu quả hơn, vay mượn thận trọng hơn do nợ công đã chạm ngưỡng 65% GDP. Do đó, theo ADB, Việt Nam cần hướng tới khu vực tư nhân. “Những cải cách về thể chế và quy định sẽ giúp thu hút nhà đầu tư tư nhân và tạo ra một danh mục các dự án PPP khả thi. Các quốc gia có thể thực hiện một số cải cách như ban hành các luật, hợp lý hóa quy trình mua sắm đấu thầu trong PPP, tăng cường thị trường vốn để hướng luồng tiền tiết kiệm của khu vực vào các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng... "Việt Nam đã có khung cải thiện nhất định cho PPP, tuy nhiên quy định là một chuyện, thực thi lại khác”, ADB nhận định.

Đại diện ADB cam kết, ngân hàng này sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho Việt Nam mỗi năm khoảng 1 tỷ USD. Đây là một số tiền không hề nhỏ trong bối cảnh Việt Nam đang trong cơn khát vốn để phát triển. Phần lớn số vốn này sẽ tài trợ cho các lĩnh vực nhằm tạo ra sự phát triển bền vững như y tế, cơ sở hạ tầng, giáo dục, năng lượng tái tạo, điện khí hóa nông thôn, thủy lợi và quản lý tài nguyên nước... Ngoài ra, trong thông báo mới nhất, ADB tuyên bố sẽ tăng cường cho vay và đầu tư cổ phần trong khu vực tư nhân, nhất là trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. ADB cũng sẽ hỗ trợ chuẩn bị các dự án trọng điểm theo mô hình PPP, phù hợp với khung pháp lý thống nhất về PPP đã được ADB hỗ trợ. Đồng thời, ADB cũng đang xây dựng Chiến lược Đối tác Quốc gia mới cho giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu trọng tâm của chiến lược này là giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều và bền vững với môi trường hơn, phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 - 2020 của Việt Nam cũng như quan hệ hợp tác với các đối tác phát triển.