Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm hướng đi mới để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ VIII về Biển Đông (14 - 15/11) đã nêu ra những hướng đi mới trong cách thức giải quyết vấn đề trên Biển Đông.

 

Tình hình hậu phán quyết của PCA

Đánh giá tác dụng của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trong bối cảnh hậu phán quyết của vụ kiện Philippines-Trung Quốc tại Tòa trọng tài thường trực (PCA), cựu Chuẩn đô đốc Michael McDevitt, Nghiên cứu viên cấp cao, Chương trình Nghiên cứu Chiến lược, Trung tâm Phân tích Hải quân (Mỹ) cho rằng, tình hình Biển Đông trong tương lai gần sẽ “yên ắng” và cơ bản ổn định. 

 

Liên quan đến tác động từ phán quyết của PCA, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Anh - Phó Viện trưởng Viện Biển Đông (Học viện Ngoại giao) cho rằng, phán quyết giúp xác định và thu hẹp đáng kể các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông. Đồng thời cũng mở ra triển vọng về việc giải quyết và quản lý tranh chấp tại Biển Đông thông qua các biện pháp pháp lý; giúp các bên tranh chấp khác cân nhắc về các lựa chọn khi sử dụng các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp tại Biển Đông. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Lan Anh, những phân tích pháp lý và kết luận của Tòa trọng tài về các hoạt động diễn ra tại Biển Đông trong thời gian qua có thể giúp định hướng hành xử của các bên ở Biển Đông theo hướng có trách nhiệm và phù hợp với luật pháp quốc tế. Những định hướng này thực sự quan trọng, giúp ổn định trật tự trên Biển Đông và hơn nữa nhằm tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển và các quốc gia khác có lợi ích tại Biển Đông theo quy định của UNCLOS và luật pháp quốc tế.

Tuân thủ luật pháp quốc tế

Theo chuyên gia Evan Laksmana, Phòng Nghiên cứu Chính trị và Quan hệ quốc tế, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Indonesia), từ hội nghị ngoại trưởng ASEAN, hội nghị cấp cao ASEAN, hội nghị cấp cao Đông Á, nhiều nước thành viên ASEAN đều mong muốn vấn đề Biển Đông và phán quyết của Tòa trọng tài không phải là vấn đề duy nhất giữa ASEAN và Trung Quốc. Các nước ASEAN cho rằng quan hệ ASEAN và Trung Quốc phải là rộng hơn và có tính chiến lược hơn vấn đề Biển Đông, đồng thời tiếp tục có mối quan hệ với Trung Quốc nhưng vẫn đảm bảo tồn tại một cơ chế khu vực ổn định. Mục tiêu rõ ràng của ASEAN là kiểm soát căng thẳng ở Biển Đông càng hòa bình càng tốt.

Khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nhấn mạnh vai trò thượng tôn pháp luật, tuân thủ luật pháp quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, Vladimir Evseev - Phó Giám đốc Viện các nước SNG - Liên bang Nga cho rằng, bất kỳ xung đột lãnh thổ nào cũng cần giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việc giải quyết không đặt ra thắng lợi của một bên nào mà là xây dựng hệ thống an ninh khu vực trên cơ sở ổn định. Nhận định về việc Philippines và Malaysia có xu hướng chấp nhận đàm phán song phương với Trung Quốc về tranh chấp trên biển Đông.

PSG.TS Nguyễn Vũ Tùng - Giám đốc Học viện Ngoại giao cho rằng tất cả các nước đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Và việc PCA ra phán quyết là sự khẳng định rõ ràng tinh thần thượng tôn pháp luật, trở thành vũ khí để các nước nhỏ, trong đó có Việt Nam, Malaysia và Philippines, sử dụng trong quan hệ với các nước lớn. Khi tuân theo luật pháp quốc tế thì tất cả đều phải đi theo đường lối chung, nhưng cách làm có thể khác nhau.

Cẩm Anh