Tin chắc Fed sắp hạ lãi suất, chứng khoán Mỹ leo dốc chóng mặt

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ tiếp tục phục hồi mạnh khi chỉ số lạm phát tăng chậm hơn dự báo đã giúp nâng cao kỳ vọng Fed sẽ có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng tới.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục bứt phá trong phiên ngày 13/8. Ảnh: CNBC
Chứng khoán Mỹ tiếp tục bứt phá trong phiên ngày 13/8. Ảnh: CNBC

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 13/8, chỉ số Dow Jones tăng 408 điểm (tương đương 1,04%) lên 39.765,64 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 2,43% lên 17.187,61 điểm, còn chỉ số S&P 500 tăng 1,68% lên mức 5.434,43 điểm. Chỉ số này hiện thấp hơn khoảng 5% so với mức cao kỷ lục kể từ tháng 7.

Cục Thống kê Lao động Mỹ ngày 13/8 cho biết, chỉ số giá sản xuất (PPI) chỉ tăng 0,1% trong tháng 7 so với tháng trước, thấp hơn mức dự báo 0,2% của các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Bloomberg. Trên cơ sở hàng năm, chỉ số PPI tăng 2,2%.

Chỉ số PPI lõi lần đầu tiên trong 4 tháng đi ngang so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, PPI lõi tăng 2,4%. Điều này càng củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ trong tháng 9 tới.

Theo Công cụ FedWatch của CME, tỷ lệ đặt cược vào khả năng Fed sẽ hạ lãi suất với mức 0,5% là 55%, cao hơn mức gần 50% trước khi số liệu PPI được công bố.

Ngoài ra, giới đầu tư Phố Wall cũng đang chờ đợi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7, được công bố vào sáng ngày 14/8 (giờ địa phương). Các nhà kinh tế dự báo CPI tháng 7 sẽ tăng 0,2% so với tháng trước. Trước đó, trong tháng 6, CPI từng ghi nhận mức giảm 0,1%. 

Hai dữ liệu CPI và PPI được kỳ vọng sẽ cung cấp cho thị trường một số định hướng sau loạt biến động lớn vào tuần trước.

Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu David Russell tại TradeStation nhận định: “Dữ liệu PPI đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy xu hướng lạm phát đã đảo chiều, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ. Những nhà đầu tư bán tháo với kỳ vọng giá cổ phiếu xuống thấp hơn có thể sẽ thất vọng”.

Theo chiến lược gia cổ phiếu Barry Bannister tại Stifel, mục tiêu đưa lạm phát quay về mức 2% của Fed là một "giấc mơ viển vông".

Ngoài đà phục hồi, mức độ biến động của thị trường cũng đã giảm mạnh. Chỉ số biến động Cboe (VIX) đã dao động dưới mốc 20 vào phiên 13/8. Đầu tuần trước, VIX từng có lúc vọt lên 65 điểm. 

Ông Jonathan Gray - Giám đốc điều hành của Blackstone, nói với đài CNBC rằng tăng trưởng của kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu chậm lại, lạm phát dần hạ nhiệt - những yếu tố có thể tạo điều kiện thuận lợi để Fed bắt đầu đảo chiều chính sách thắt chặt tiền tệ.

Trong khi đó, nhà phân tích Yoshitaka Suda của ngân hàng Nomura cho biết, các quỹ đầu cơ đã mua vào sau đợt bán tháo tuần trước, giúp thúc đẩy sự phục hồi của thị trường cổ phiếu. Vị chuyên gia này lưu ý thêm: "Chúng tôi cho rằng rủi ro sụt giảm mà các nhà đầu tư gây ra cho chứng khoán Mỹ không còn nghiêm trọng như tuần trước”.

Tuy nhiên, chuyên gia Suda nhận định rằng biến động vẫn sẽ duy trì ở mức cao do triển vọng không chắc chắn về nền kinh tế Mỹ cho đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Trong phiên giao dịch ngày 13/8, cổ phiếu Starbucks bứt phá tới 24,5% sau khi chuỗi cửa hàng cà phê bổ nhiệm giám đốc điều hành hiện tại của Chipotle, Brian Niccol, làm giám đốc điều hành tiếp theo. Cổ phiếu Chipotle sụt 7,5%.