Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tín hiệu khởi sắc từ kinh tế Trung Quốc

Trang Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà kinh tế Trung Quốc nhấn mạnh khả năng phục hồi mạnh mẽ và tiềm năng to lớn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dự đoán nước này sẽ tiếp tục nổi bật như một nhân tố đóng góp then chốt cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay.

Kinh tế Trung Quốc còn những điểm sáng. Ảnh: Getty Image
Kinh tế Trung Quốc còn những điểm sáng. Ảnh: Getty Image

Bất chấp các thách thức đến từ nhu cầu suy yếu bên ngoài và những biến động địa chính trị gia tăng, các nhà kinh tế Trung Quốc vẫn bày tỏ sự lạc quan về khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 5% của nước này.

Justin Yifu Lin, Hiệu trưởng Viện Cơ cấu Kinh tế Mới của Đại học Bắc Kinh, cho biết mục tiêu tăng trưởng hàng năm có thể đạt được nếu Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh cả chính sách tài khóa cũng như tiền tệ để kích thích tiêu dùng và đầu tư.

“Trung Quốc vẫn có tiềm lực và khả năng phát triển tốt”, ông Lin phát biểu tại một diễn đàn kinh tế vĩ mô do Trường Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh tổ chức hôm thứ Tư.

Ông bác bỏ những suy đoán về nền kinh tế Trung Quốc đã đạt đến đỉnh cao và cho rằng nước này hoàn toàn có những lợi thế cùng điều kiện thuận lợi để tiếp tục tăng trưởng bền vững, bao gồm thị trường nội địa cực lớn, hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh, nguồn đầu tư lớn và sự bùng nổ của kinh tế kỹ thuật số.

Hiệu trưởng Lin còn bổ sung: “Tốc độ tăng trưởng dự kiến ​​khoảng 5% của quốc gia có thể đóng góp 1 điểm phần trăm cho việc mở rộng quy mô kinh tế toàn cầu và khoảng 30% vào tăng trưởng kinh tế thế giới, củng cố vị thế của Trung Quốc như động lực quan trọng cho tăng trưởng.”

Luo Zhiheng, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Chứng khoán Yuekai, cũng bày tỏ sự lạc quan mạnh mẽ về triển vọng kinh tế của Trung Quốc. Ông nhận định rằng nước này vẫn còn nhiều tiềm năng và các chính sách thích hợp để thúc đẩy nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông Luo cũng đưa ra mối quan ngại về những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản và xuất khẩu có thể tiếp tục là lực cản đối với triển vọng của Trung Quốc trong năm nay. Ông cũng mong chính phủ cần thực hiện nhiều nỗ lực hơn nữa để đảm bảo nguồn cung, thúc đẩy nhu cầu hiệu quả và ổn định giá nhà đất.

Đồng tình với điều này, Xu Gao - nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Quốc tế Trung Quốc (BOC International), cho biết quốc gia tỷ dân cần thực hiện các biện pháp đối phó ngắn hạn cũng như dài hạn để giải quyết các vấn đề đang tồn tại, chủ yếu đến từ áp lực nhu cầu sụt giảm và sự kỳ vọng suy yếu.

Ông nói: “Đầu tư vào bất động sản và cơ sở hạ tầng nhiều hơn sẽ giúp ổn định mức tăng trưởng chung”.

Quan điểm của ông Xu một lần nữa được nhấn mạnh bởi Lu Feng - giáo sư kinh tế tại Đại học Phát triển Quốc gia. Ông Lu kêu gọi thúc đẩy chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách cơ cấu sâu rộng hơn, qua đó tăng cường khả năng cung ứng của Trung Quốc cũng như góp phần mở rộng nhu cầu nội địa.