Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tín hiệu tích cực hướng tới ngừng bắn chấm dứt cuộc xung đột tại Nagorno - Karabakh

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Armenia cho biết họ đã sẵn sàng làm việc với các hòa giải viên quốc tế để đạt được một lệnh ngừng bắn với Azerbaijan khi cuộc đụng quân sự tại Nagorno - Karabakh đã kéo dài sang ngày thứ 6.

Ngày 2/10, Armenia tuyên bố sẵn sàng tham gia với Pháp, Nga và Mỹ - những nước đồng chủ trì nhóm hòa giải của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) cho cuộc xung đột, “để thiết lập lại một chế độ ngừng bắn”, Bộ Ngoại giao Armenia cho biết trong một tuyên bố hôm 2/10.
Tuy nhiên, tuyên bố nói thêm rằng “hành động gây hấn này đối với Nagorno - Karabakh sẽ tiếp tục nhận được phản ứng mạnh mẽ và kiên quyết của chúng tôi”.
Armenia cho biết họ đã sẵn sàng làm việc với các hòa giải viên quốc tế để đạt được một lệnh ngừng bắn với Azerbaijan tại khu vực ly khai Nagorno - Karabakh. 
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Armenia cho biết nước này “cam kết giải quyết cuộc xung đột bằng các biện pháp hòa bình”. “Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên quyết đẩy lùi sự hung hăng của Azerbaijan, nhưng cũng sẵn sàng tham gia với các đồng chủ tịch của Nhóm OSCE Minsk về một lệnh ngừng bắn dựa trên các thỏa thuận của năm 1994 - 1995,” tuyên bố của Bộ Ngoại giao Armenia nhấn mạnh.
Động thái này diễn ra sau khi các quan chức quốc phòng của Armenia tại khu vực Nargorno - Karabakh báo cáo thêm 55 trường hợp thương vong trong số quân do Armenia hậu thuẫn, nâng con số thiệt mạng lên 147 binh sĩ.
Tuyên bố mới nhất của Bộ Ngoại giao Armenia là dấu hiệu đầu tiên cho thấy có thể có đối thoại trong việc giải quyết đợt bùng phát mới nhất, sau nhiều ngày Yerevan và Baku phản đối lời kêu gọi đàm phán của các nhà lãnh đạo phương Tây và Nga.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông đã có các cuộc điện đàm liên tiếp với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, đồng thời đề xuất khởi động lại các cuộc đàm phán trong nhóm Minsk.
Chính phủ Armenia cho biết, Thủ tướng Pashinyan và Tổng thống Macron đều cho rằng bất kỳ việc sử dụng lực lượng chiến binh và khủng bố nước ngoài trong cuộc xung đột tại Nagorno - Karabakh là không thể chấp nhận được, đồng thời ông Macron kêu gọi thực hiện lệnh ngừng bắn ngay lập tức.
Cuộc đụng độ vũ trang mới nhất giữa Armenia và Azerbaijan làm gia tăng lo ngại leo thang thành cuộc chiến toàn diện tại khu vực, có thể kéo cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cùng tham gia.
Trước đó, ngày 1/10, Nga, Pháp và Mỹ đã ra tuyên bố chung về tình hình xung đột Armenia - Azerbaijan tại khu vực Nagorno - Karabakh trên cương vị đồng Chủ tịch nhóm Minsk của OSCE.
Trong tuyên bố, Tổng thống 3 nước kêu gọi "lập tức ngừng thù địch giữa các lực lượng quân sự liên quan" và "các lãnh đạo Armenia và Azerbaijan cam kết ngay lập tức nối lại các cuộc đàm phán với thiện ý và vô điều kiện, dưới sự bảo trợ của các đồng Chủ tịch Nhóm Minsk".
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 2/10 cho biết tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã thảo luận về cuộc xung đột quân sự giữa Armenia và Azerbaijan, đồng thời khẳng định hai bên cần phải thực hiện lệnh ngừng bắn càng sớm càng tốt.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất của Azerbaijan trên trường quốc tế, trong khi Nga có căn cứ quân sự ở Armenia. Ankara đã bị Armenia cáo buộc cung cấp máy bay chiến đấu cho cuộc xung đột, kéo họ ra khỏi miền Bắc Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan phủ nhận điều này.
Trong cuộc điện đàm với Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien hôm 2/10, Thủ tướng Armenis Pashinyan nói rằng lệnh ngừng bắn sẽ không được thực hiện trừ khi “lính đánh thuê và khủng bố” bị loại khỏi khu vực Nagorno - Karabakh.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 1/10 cho biết lệnh ngừng bắn lâu dài chỉ có thể đạt được nếu "những người chiếm đóng Armenia" rút khỏi khu vực tranh chấp Nagorno - Karabakh.
Về phần mình, Tổng thống Azerbaija Aliyev tuyên bố rằng các yêu cầu của chính phủ Armenia đối với Nagorno-Karabakh là không thể chấp nhận được.
Vụ xung đột bạo lực tại khu vực Nagorno - Karabakh từ hôm 27/9 khiến ít nhất 16 quân nhân và một số dân thường thiệt mạng là một trong những cuộc giao tranh nghiêm trọng nhất giữa Armenia và Azerbaijan kể từ năm 2016.
Armenia và Karabakh tuyên bố thiết quân luật và huy động quân đội vào Chủ nhật tuần trước (27/9), trong khi Azerbaijan áp đặt chế độ quân sự và lệnh giới nghiêm tại các thành phố lớn.