Tín hiệu tích cực, Mỹ - Hàn xúc tiến tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Lee Soo-hyuck, Washington và Seoul đang tiếp tục những nỗ lực tích cực và sáng tạo liên quan đến vấn đề tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.

Đại sứ Hàn Quốc tại Washington Lee Soo-hyuck vừa cho biết Mỹ và Hàn Quốc đang tích cực thảo luận khả năng đưa ra tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, đồng thời phối hợp trong một dự thảo tuyên bố về vấn đề này.
 Đại sứ Hàn Quốc tại Washington Lee Soo-hyuck phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington hôm 9/11/2021. Ảnh: Yonhap
Phát biểu với báo giới tại Washington ngày 9/11, Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Lee Soo-hyuck khẳng định: “Không chỉ có sự trao đổi quan điểm giữa Mỹ và Hàn Quốc về dự thảo tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, mà hai nước còn đang tiếp tục những nỗ lực tích cực và sáng tạo liên quan đến vấn đề tuyên bố chấm dứt chiến tranh”.
Tuy nhiên, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan lưu ý rằng Wahington và Seoul vẫn còn một số khác biệt về thời điểm cũng như điều kiện để có thể tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. "Hai bên vẫn còn sự khác biệt về tiến trình, thời gian chính xác cùng với điều kiện để tuyên bố kết thúc Chiến tranh  Triều Tiên” - ông Sullivan trả lời phóng viên khi được hỏi về khả năng rằng Mỹ có ủng hộ tuyên bố chấm dứt chiến tranh do Hàn Quốc đề xuất hay không.
Thông tin tích cực trên được đưa ra sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tiếp tục kêu gọi chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) vào tháng 9 vừa qua.
Trước đó, phát biểu tại Đại hội đồng LHQ hôm 22/9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề nghị các nước liên quan cùng đưa ra tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Việc Seoul chủ động nhắc lại vấn đề này xuất phát từ những cân nhắc chiến lược nhằm thúc đẩy việc nối lại đối thoại và khôi phục tiến trình hòa bình trên bán đảo.
Tổng thống Moon nhấn mạnh rằng tuyên bố chấm dứt chiến tranh sẽ là điểm khởi đầu cho việc thiết lập một trật tự hòa giải và hợp tác mới trên bán đảo. Giới quan sát nhận định dường như Tổng thống Moon đang dốc toàn lực cho việc tái khởi động đối thoại liên Triều và Mỹ - Triều trong khoảng thời gian còn lại của nhiệm kỳ.
Theo quan điểm của Hàn Quốc, việc tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên sẽ đánh dấu bán đảo đã bước vào giai đoạn mới của việc xây dựng cơ chế hòa bình và hợp tác, giúp xóa tan sự thù địch và nghi kỵ giữa các bên liên quan, tăng thêm lòng tin và sự tôn trọng, tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề trong đối thoại.
Về phần mình, Phó Chủ nhiệm Thứ nhất Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yo-jong hôm 24/9 tuyên bố nếu Seoul thực sự có thể từ bỏ tiêu chuẩn kép và hành động thù địch đối với Bình Nhưỡng, nước này sẵn sàng nối lại kênh trao đổi giữa hai bên và tiến hành thảo luận mang tính xây dựng đối với việc khôi phục quan hệ và triển vọng phát triển. Điều này cho thấy mong muốn nối lại đối thoại liên Triều của Bình Nhưỡng. Chỉ sau đó 1 ngày, bà Kim Yo-jong lại có một bài phát biểu đề cập đến vấn đề này với mức độ quan tâm cao hơn.
Việc bà Kim Yo-jong liên tục có hai bài phát biểu khiến triển vọng nối lại đối thoại liên Triều trở nên lạc quan hơn. Các chuyên gia cũng cho rằng, việc giải quyết dứt điểm vấn đề Bán đảo Triều Tiên không thể tách rời đối thoại Mỹ - Triều. Nhưng, nếu quan hệ hai miền Triều Tiên có thể được khôi phục và phát triển một cách thuận lợi thì việc nối lại đối thoại Mỹ - Triều cũng sẽ sớm được thực hiện.
Hiện Seoul và Washington vẫn chưa đưa ra đề xuất chính thức với Triều Tiên để thảo luận về việc chấm dứt chiến tranh.
Đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn đình trệ kể từ hội nghị thượng đỉnh năm 2019. Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim khẳng định Washington sẵn sàng nối lại đàm phán với Bình Nhưỡng mà không yêu cầu điều kiện tiên quyết nào.
Hai miền Triều Tiên về hình thức vẫn trong tình trạng chiến tranh kể từ khi cuộc xung đột 1950-1953 kết thúc với một thỏa thuận đình chiến mà chưa có một hiệp định hòa bình./.