Trường học xoay xở dạy môn tích hợp
Năm học 2023 – 2024 là năm thứ tư triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng là năm thứ ba Chương trình mới được thực hiện ở cấp THCS với sự xuất hiện của môn tích hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý).
Ba năm qua, các trường THCS gặp nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy môn tích hợp. Nguyên nhân bởi giáo viên trước đây chỉ được đào tạo đơn môn nên dù có học và được cấp chứng chỉ về Khoa học tự nhiên hoặc Lịch sử - Địa lý cũng không thể dạy tốt khi được phân công dạy liên môn, nhất là khi giảng dạy với học sinh lớp 8, 9.
Giữa tháng 8/2023, tại buổi gặp gỡ với đội ngũ nhà giáo trên cả nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận, việc triển khai dạy học tích hợp, liên môn tại bậc THCS đang gặp rất nhiều vướng mắc. Bộ GD&ĐT nhận thấy đây thật sự là “điểm vướng, điểm nghẽn, điểm khó” trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và hứa sẽ xem xét, điều chỉnh theo hướng phù hợp hơn với yêu cầu đổi mới giáo dục.
Cuối tháng 10/2023, Bộ có văn bản 5636/BGDĐT- GDTrH gửi các trường trung học và bước đầu đưa ra những gợi mở về xây dựng kế hoạch dạy học các môn tích hợp.
Cụ thể, với môn Khoa học tự nhiên có bốn mạch nội dung xuyên suốt, gồm: Chất và sự biến đổi của chất; Năng lượng và sự biến đổi: Vật sống; Trái đất và bầu trời. Bộ đề nghị phân công giáo viên có chuyên môn phù hợp với nội dung dạy học. Việc để giáo viên dạy từ hai mạch nội dung trở lên hoặc toàn bộ môn học phải thực hiện từng bước, bảo đảm về chuyên môn. Với môn Lịch sử và Địa lý, các trường có thể bố trí dạy hai phân môn Lịch sử và Địa lý đồng thời trong học kỳ. Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ cũng được thực hiện trong quá trình dạy theo từng phân môn.
Bộ lưu ý các trường xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với mạch nội dung, linh hoạt để xếp thời khóa biểu được khoa học, bảo đảm tính sư phạm và khả năng thực hiện của giáo viên. Về kiểm tra, đánh giá, thầy cô chủ trì môn học ở mỗi lớp sẽ phối hợp với giáo viên khác để thống nhất điểm. Phạm vi đề, nội dung bài kiểm tra định kỳ cần được xây dựng phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học của chương trình.
Nội dung Văn bản 5636/BGDĐT- GDTrH thực chất không hoàn toàn mới nhưng tạo thuận lợi và sự rõ ràng, thống nhất cho các nhà trường trong sắp xếp thời khóa biểu với môn tích hợp; đồng thời giúp tường minh hơn ở các khâu khó như phân công giáo viên, kiểm tra đánh giá, ra đề thi.
Trong thời gian chờ đợi giải pháp tiếp theo, bên cạnh việc tham gia khóa bồi dưỡng để được cấp chứng chỉ dạy tích hợp, các nhà trường, địa phương vẫn vẫn tổ chức nhiều đợt bồi dưỡng thường xuyên trong năm để giáo viên được tham gia học tập; cùng với đó là động viên, khuyến khích thầy cô tự học, tự nghiên cứu để nâng cao kiến thức; tăng cường sinh hoạt chuyên môn, thảo luận, hỗ trợ đồng nghiệp, giúp nhau tiến bộ hơn mỗi ngày.
Giải pháp căn cơ
Sau nhiều thời gian chờ đợi, giải pháp căn cơ giải quyết bài toán giáo viên, nâng cao chất lượng dạy môn tích hợp liên môn đã được giải quyết. Đó là việc Bộ GD&ĐT ra các quyết định cho phép Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Vinh đào tạo ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên (mã số 7140247) và ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý (mã số 7140249) trình độ đại học từ năm 2024.
Theo các quyết định trên, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Vinh sẽ thực hiện xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, cấp bằng theo các quy định hiện hành; đánh giá chất lượng và kiểm định chương trình đào tạo theo quy định tại Khoản 5 Điều 33 Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung).
Sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên có thể học tập nâng cao trình độ lên bậc Thạc sĩ ngành Vật lý, Hóa học hoặc Sinh học; sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý có thể học tập nâng cao trình độ lên bậc Thạc sĩ ngành Lịch sử hoặc Địa lý.
Các nhà trường cho hay, sẽ thông báo chỉ tiêu chính thức khi nhận được Công văn của Bộ GD&ĐT về phân bổ số lượng chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên năm 2024.
Việc được phép đào tạo ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên và ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý khẳng định vị thế, sứ mạng đào tạo và bồi dưỡng giáo viên của hai trường, góp phần quan trọng cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các trường phổ thông.
Thông tin trên khiến nhiều cán bộ, quản lý, giáo viên các trường THCS trên cả nước vui mừng và nhẹ nhõm.
“Nguồn nhân lực cho hai môn Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý đang rất thiếu; vì vậy chúng tôi rất phấn khởi khi hai trường đại học lớn được phép mở ngành đào tạo ngành sư phạm các môn tích hợp. Đó sẽ là nguồn bổ sung nguồn giáo viên dạy liên môn cho các trường phổ thông sau này”, nhà giáo Nguyễn Cao Cường – Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ.
Thời điểm hiện tại, khi chưa có giáo viên liên môn, các trường đang nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì bồi dưỡng tại chỗ cho giáo viên phụ trách các môn học trên nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy.
Tới đây, các thầy cô giáo và trường phổ thông hy vọng sẽ có nhiều cơ sở đào tạo đại học được phép mở ngành đào tạo sư phạm môn tích hợp hơn nữa; có như vậy mới đáp ứng nhu cầu của các nhà trường và mới đảm bảo chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai chất lượng, đúng tiến độ.