Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tinh gọn bộ máy, giảm biên chế tại Hà Nội: Những chuyển biến bước đầu

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Thực hiện chủ đề công tác năm 2018, Hà Nội đã tích cực đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, tăng hiệu quả thực thi pháp luật và lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở mọi cấp, ngành. Đây chính là điều kiện quan trọng để TP bước vào năm 2019 với mục tiêu cao hơn, cùng những giải pháp cụ thể, để công tác này đạt và vượt kế hoạch được giao” - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu khẳng định với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

 Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu.
Khắc phục chồng chéo, tăng hiệu quả hoạt động

Thực hiện chủ đề công tác năm 2018, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của TP được thực hiện như thế nào, thưa bà?

- Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW Hội nghị T.Ư 6 Khóa XII “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”, ngay đầu năm UBND TP đã phối hợp Ban Tổ chức Thành ủy xây dựng kế hoạch triển khai; giao chỉ tiêu KT-XH năm 2018 với nhiều giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế. TP cũng ra kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), DN Nhà nước thuộc TP và quán triệt, chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện hiệu quả.

Đến nay, TP cơ bản hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ được giao tại kế hoạch của Ban Chỉ đạo (BCĐ) TP về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế: Đã giải thể cơ quan thường trực BCĐ GPMB TP và thành lập Phòng Công tác GPMB thuộc Văn phòng UBND TP; thí điểm thành lập Đội Quản lý TTXD-ĐT thuộc UBND cấp huyện; kiện toàn Thanh tra Sở Xây dựng; các chi cục, ĐVSN thuộc Sở NN&PTNT... Trong năm, đã sắp xếp 102 BCĐ thuộc UBND TP còn 28 BCĐ, giảm 72,5%. Với khối ĐVSN, đã tổ chức lại Trung tâm (TT) Y tế cấp huyện trực thuộc Sở Y tế trên cơ sở sáp nhập TT Dân số - KHHGĐ cấp huyện và TT Y tế cấp huyện; thành lập TT Kiểm soát bệnh tật TP trên cơ sở tổ chức lại TT Y tế dự phòng Hà Nội... TP cũng đang đẩy mạnh sắp xếp trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐTB&XH; sắp xếp 2 ĐVSN thuộc Sở QH-KT sang Viện Quy hoạch xây dựng quản lý.

Trong năm, Sở cũng đã phối hợp Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP.

Riêng với khối ĐVSNCL có số lượng rất lớn, TP đã có bước đi như thế nào để đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động và nhất là triệt để khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ?

- Trong khối ĐVSNCL, việc làm tốt công tác sắp xếp có thể nói vừa khắc phục được chồng chéo, dàn trải, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, vừa tập trung được nguồn lực làm cơ sở nâng cao hiệu quả hoạt động. Đến nay, TP đã cơ bản sắp xếp xong các ĐVSNCL trực thuộc; ĐVSNCL cấp huyện cũng được tổ chức lại cho tinh gọn, đa ngành, đa lĩnh vực, phù hợp thực tiễn.
 Làm thủ tục hành chính tại sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội.  Ảnh  Thanh Hải
Đặc biệt, một giải pháp hiệu quả là TP đẩy mạnh chuyển đổi các ĐVSNCL sang tự chủ chi thường xuyên thông qua ban hành kế hoạch giao ĐVSN tự chủ đợt I giai đoạn 2018 - 2021 là 196 đơn vị/257 đơn vị cần thực hiện theo chỉ tiêu 10% đơn vị tự chủ tại Nghị quyết 19-NQ/TW. Để đạt chỉ tiêu, UBND TP đang chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì phối hợp Sở Nội vụ tiếp tục rà soát, có phương án giao tự chủ thêm tối thiểu 61 đơn vị còn thiếu. Chúng tôi đang trình phương án tự chủ đợt II giai đoạn 2018 - 2021.

Cả hệ thống vào cuộc

Quá trình TP sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC theo Nghị quyết 39-NQ/TW đã gặp những khó khăn gì, nhất là về tư tưởng CBCCVC, người lao động? Và TP đã có giải pháp gì khi triển khai, thưa bà?

- Đúng là Hà Nội phải đối mặt không ít khó khăn, vướng mắc, không chỉ do các văn bản chưa được ban hành đồng bộ theo Nghị quyết mà chủ yếu là tâm tư của CBCCVC ở một số cơ quan, đơn vị, đặc biệt CBCCVC sau sắp xếp không còn giữ chức vụ lãnh đạo. Trước tình hình này, các đơn vị đã tích cực tuyên truyền giúp CBCCVC ngày càng nhận thức rõ sự tất yếu phải kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, được triển khai trong toàn hệ thống chính trị chứ không riêng đơn vị nào. Nguyên tắc rất rõ ràng, phân công đúng vị trí việc làm; cán bộ lãnh đạo sau sắp xếp không còn giữ nguyên chức vụ sẽ được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo và ưu tiên xem xét bổ nhiệm khi có điều kiện, vị trí thích hợp. TP cũng đẩy mạnh thanh, kiểm tra, giúp đơn vị sớm ổn định.

Sau thời gian sắp xếp lại, từ TP đến cấp cơ sở hầu như không nhận được đơn thư khiếu nại. Đáng mừng, thu nhập ở nhiều cơ quan dần khởi sắc, đời sống người lao động được nâng lên. Đây chính là cái đích của công tác sắp xếp. Điều này thấy rõ ở khối y tế, như Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội, một số trung tâm y tế…

Từ kết quả đạt được, Hà Nội có thể rút ra bài học kinh nghiệm gì trong cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế? Định hướng cụ thể của TP thời gian tới thế nào?

- TP đã triển khai thành công việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được T.Ư và dư luận đánh giá cao, tôi cho rằng quan trọng nhất do TP chuẩn bị rất kỹ càng, cách làm bài bản. Ngay sau Hội nghị Thành ủy triển khai thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, cả hệ thống chính trị nhanh chóng vào cuộc; nếu trước chỉ khối cơ quan hành chính thì nay các ban Đảng, đoàn thể, ĐVSN… đều tích cực, với tinh thần “5 rõ”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”. Tuyên truyền thấu đáo; quy trình minh bạch; kiểm tra giám sát giúp kịp thời hướng dẫn trước sắp xếp và chấn chỉnh sau sắp xếp với những thiếu sót... Từ đó đã tạo đồng thuận cao, mô hình tổ chức mới sớm ổn định.

TP xác định năm 2019 sẽ tăng tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 39-NQ/TW, nghị quyết Hội nghị T.Ư 6, 7 Khóa XII; chú trọng sắp xếp tổ chức bộ máy; tập trung chuyển ĐVSNCL sang tự chủ tài chính; thực hiện tốt Nghị định 113/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế, trong đó đề cao trách nhiệm người đứng đầu..., phấn đấu đạt chỉ tiêu theo lộ trình đến 2021 giảm 10% biên chế. Đặc biệt, TP đang cân nhắc giao quyền tự chủ nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự cho những đơn vị đã tự chủ chi thường xuyên, nhằm trao thêm quyền, khuyến khích các ĐVSN khác sang tự chủ. Ngoài đôn đốc 61 đơn vị còn lại rà soát chuyển sang tự chủ, Sở Nội vụ đang phối hợp Sở Tài chính trình phương án tự chủ đợt II với tổng số đơn vị chắc chắn sẽ lớn hơn con số 257 của đợt I.

Song, lĩnh vực giáo dục hiện chiếm tới hơn 83% tổng số đơn vị, gần 79% tổng biên chế viên chức toàn TP; số đơn vị, biên chế còn tiếp tục tăng do tăng học sinh theo tốc độ đô thị hóa (mỗi năm TP phải tăng 1.500 biên chế cho viên chức giáo dục). Do vậy, chuyển ĐVSNCL sang cơ chế tự chủ giai đoạn 2018 - 2021 gồm cả lĩnh vực giáo dục sẽ khó đạt chỉ tiêu 10% theo Nghị quyết 19-NQ/TW, nên TP tiếp tục kiến nghị T.Ư có cơ chế chính sách để chuyển sang tự chủ cho lĩnh vực này, nhằm không ảnh hưởng an sinh xã hội mà vẫn đảm bảo mục tiêu tinh giản biên chế.

Xin cảm ơn bà!