Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tình thế khó xử

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh các đồng minh phương Tây đang có những động thái ngày một cứng rắn đối với Trung Quốc, Nhật Bản ngược lại, đang duy trì thái độ cân bằng và mềm mỏng hơn.

Khi các tàu của Trung Quốc liên tiếp xâm phạm lãnh hải của Nhật Bản trong thời gian gần đây, Tokyo đã lên tiếng phản đối nhưng ở mức độ mềm mỏng hơn nhiều so với trong quá khứ. Bên cạnh đó, nước này đã từ bỏ kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ, trước đó được kỳ vọng sẽ tạo lá chắn phòng thủ trước Trung Quốc. Những cuộc khảo sát gần đây cho thấy trong khi đa phần người dân Nhật Bản ủng hộ việc hủy bỏ chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Tokyo, Chính phủ nước này vẫn duy trì thái độ im lặng và chưa đưa ra quyết định chính thức.
“Rõ ràng Nhật Bản đang ở vào thế khó, đó là vừa duy trì quan hệ hợp tác nhưng vẫn là đối thủ cạnh tranh với quốc gia láng giềng” - Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Nghiên cứu chính sách Tokyo Narushige Michishita nhận định.
Về một khía cạnh nào đó, phản ứng mềm mỏng của Nhật Bản đối với Trung Quốc phản ánh quan điểm ngoại giao của Tokyo là tránh đối đầu trực tiếp. Trong một số trường hợp, Nhật Bản còn đóng vai trò ngoại giao con thoi, mà điển hình là việc Thủ tướng Shinzo Abe gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani vào tháng 12 năm ngoái nhằm giảm nhiệt căng thẳng ở khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, ở thời điểm khi Trung Quốc đang tận dụng cuộc khủng hoảng do Covid-19 trên toàn cầu để thực hiện tham vọng ngoại giao, Jeffrey Hornung - Chuyên gia phân tích tại RAND, cho rằng Nhật Bản đã có thể đưa ra những phản ứng mạnh mẽ hơn, mà cụ thể là việc hủy bỏ chuyến thăm của ông Tập Cận Bình.
Không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, Trung Quốc còn là nguồn khách du lịch lớn nhất của xứ sở hoa anh đào. Vào năm ngoái, có tới gần 115.000 du học sinh Trung Quốc đang học tại Nhật Bản.
Ở thời điểm khi Trung Quốc đang theo đuổi các chính sách ngoại giao quyết liệt, Kunihiko Miyake, giáo sư tại trường đại học Ritsumeikan, Kyoto, cho rằng Bắc Kinh nên rút ra những bài học từ chính lịch sử của Đế quốc Nhật Bản để không đi vào vết xe đổ trong quá khứ.