Ưu tiên 3 nội dungChia sẻ tại Tọa đàm, Phó trưởng Phòng CCHC (Sở Nội vụ) Hoàng Thị Hồng Hải cho hay, năm 2020 gặp nhiều khó khăn song TP đã tập trung vào các giải pháp tháo gỡ và tạo điều kiện cho DN, cải thiện mức độ hài lòng của người dân và DN trong các giao dịch hành chính… Công tác CCHC tiếp tục tập trung ưu tiên 3 nội dung là tổ chức bộ máy, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ CBCC, giải quyết TTHC phục vụ người dân và DN. Trong đó, TP đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC bằng cách cắt giảm các điều kiện, thủ tục, giấy tờ không cần thiết; giảm thời gian, tiết kiệm chi phí giải quyết TTHC; tích cực triển khai ứng dụng CNTT, tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4. TP đã ban hành quy định thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn TP và có hiệu lực từ 14/10/2020 thay thế quy định trước đây; đẩy mạnh tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích và qua DVCTT...
Từ quyết tâm của TP, tại mọi sở, ngành, quận, huyện đến tận xã, phường đều có nỗ lực cao nhất. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa Hà Nội (Sở KH&ĐT) Nguyễn Hữu Lương, Sở đã đẩy mạnh nội dung hỗ trợ DN, trong đó Trung tâm được giao nhiệm vụ triển khai các công tác đào tạo, hỗ trợ DN nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kết nối…, được TP và Bộ KH&ĐT đánh giá cao. Hiện các nội dung hỗ trợ giai đoạn 2015 - 2020 sắp hoàn tất, Sở đã đề xuất đề án Hỗ trợ DN mới cho giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có nhiều nội dung hỗ trợ DN khác nhau.Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin Phó trưởng Phòng Nội vụ quận Đống Đa Vũ Trà Vinh cho biết, đầu năm 2020 quận đã hoàn thành đầu tư trụ sở mới, trong đó dành diện tích lớn đủ xây dựng Bộ phận một cửa quận khang trang, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu trong ứng dụng CNTT vào hoạt động tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC của người dân. UBND quận cũng chú trọng công tác cán bộ làm việc tại Bộ phận; mở nhiều lớp bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng hành chính. Nhờ đó, cá nhân, tổ chức đến làm hồ sơ TTHC không phải đi lại nhiều lần để bổ sung giấy tờ. Với huyện Hoài Đức, theo Phó trưởng Phòng Nội vụ Ngô Thị Sinh, gần đây lãnh đạo huyện quan tâm chỉ đạo tăng ứng dụng CNTT vào điều hành, kiểm soát; công khai minh bạch về TTHC, đặc biệt có một số mô hình chính quyền gần dân như ở xã Song Phương. Địa phương cũng rất chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng chuyên môn, lấy ý kiến người dân hàng năm đối với việc đánh giá CBCC. Tại cấp phường là cấp gần dân nhất cũng có nhiều cố gắng nhằm ngày càng tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong giao dịch hành chính. Như ở phường Khương Mai, công dân hoàn toàn có thể thực hiện đăng ký và nhận kết quả các TTHC bằng hình thức lưu động và vẫn đảm bảo thời gian, chất lượng giải quyết. Khương Mai là đơn vị đầu tiên của quận Thanh Xuân thực hiện trả kết quả tại nhà theo yêu cầu của người dân với 7 lĩnh vực tư pháp, không phát sinh chi phí nào. Dù vậy, các khách mời cũng đưa ra một số kiến nghị để tháo gỡ khó khăn cho cơ sở, nâng cao chất lượng cải cách TTHC phục vụ người dân, DN. Đáng chú ý, Chủ tịch UBND phường Khương Mai Lưu Đình Lượng mong muốn Sở Nội vụ tổ chức giao lưu giữa các phường, xã có cách làm hay để trao đổi, từ đó nhân rộng. Quan trọng nhất, cần phân cấp cho phường, gắn trách nhiệm của từng CBCC phụ trách lĩnh vực với kết quả giải quyết hồ sơ trực tuyến.