Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Toà tuyên vô tội, bị cáo có được phục chức, được bồi thường?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: TTXVN
Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: TTXVN

Câu hỏi

Vừa qua, một trường hợp bị cáo được TAND tỉnh Yên Bái tuyên vô tội trong phiên toà xét xử vụ án "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên" và "Sử dụng trái phép vật liệu nổ". Vậy, đối với trường hợp được tuyên vô tội liệu có được phục chức?

Trả lời

Việc tòa án tuyên bố bị cáo không phạm tội ngay trong phiên tòa hình sự sơ thẩm là chuyện ít khi xảy ra ở Việt Nam.

Theo quy định của pháp luật, một người chỉ bị coi là có tội khi bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án. Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, người phạm tội có quyền bào chữa và không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội. Cơ quan điều tra chịu trách nhiệm đối với quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Quyết định trên cho thấy, quan điểm của tòa án cấp sơ thẩm cho rằng việc khởi tố, điều tra, truy tố đối với trường hợp bị cáo về tội danh này là không có căn cứ. Hành vi của bị cáo không cấu thành tội phạm nên đã tuyên bố bị cáo không phạm tội.

Đối với trường hợp điều tra, truy tố không đúng quy định pháp luật gây oan sai, theo quy định của pháp luật, người ký các quyết định này, những người tham gia hoạt động tiến hành tố tụng trong vụ án này có sai phạm và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, có thể sẽ phải xin lỗi và bồi thường oan sai.

Người bị khởi tố oan sai, bị truy tố oan sẽ được xin lỗi, được bồi thường và được phục hồi các quyền cơ bản của công dân, trong đó sẽ được cơ quan đơn vị nhận trở lại làm việc.

Tuy nhiên, đây chỉ là bản án sơ thẩm, rất có thể Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh sẽ kháng nghị đối với một phần hoặc toàn bộ bản án này, đặc biệt là với nội dung tuyên bố bị cáo không phạm tội. Trường hợp có kháng nghị, bản án này chưa có hiệu lực pháp luật và hồ sơ sẽ được chuyển đến tòa án cấp cao tại Hà Nội để xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

Trong trường hợp bản án sơ thẩm bị kháng cáo hoặc kháng nghị trong thời hạn luật định sẽ không có hiệu lực pháp luật đối với phần bản án bị kháng cáo kháng nghị, khi đó các quyền lợi của bị cáo có thể sẽ chưa được phục hồi. Trong vụ án này, nếu bị cáo không có kháng cáo và Viện Kiểm sát không có kháng nghị đối với phần xét xử với bị cáo trong thời hạn luật định thì mới có hiệu lực pháp luật.

Bởi vậy, phải chờ đợi sau 15 ngày, kể từ ngày xét xử sơ thẩm (hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị) mà không có bất kỳ kháng cáo kháng nghị nào đối với phần bản án này, quyền lợi của trường hợp này mới được xem xét phục hồi theo quy định của pháp luật. Trường hợp có kháng cáo hoặc kháng nghị, tòa án cấp phúc thẩm sẽ thụ lý và xem xét xét xử theo quy định của pháp luật. Trường hợp kết quả xét xử phúc thẩm vẫn giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm, xác định bị cáo không phạm tội, khi đó mới giải quyết hậu quả của việc điều tra, truy tố oan sai.

Đây là vụ án phức tạp, quan điểm của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và quan điểm của tòa án cấp sơ thẩm là khác nhau, thậm chí là mâu thuẫn nhau, dẫn đến kết quả giải quyết vụ án tuyên bố bị cáo không phạm tội là khá bất ngờ.

Trong trường hợp bản án có hiệu lực pháp luật xác định bị cáo bị oan và không kết tội bị cáo thì sẽ được cơ quan, đơn vị nhận trở lại làm việc; đồng thời, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng sẽ được đặt ra. Khi đó, bị cáo có quyền yêu cầu xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước hiện hành. Trường hợp bản án có hiệu lực pháp luật thì người bị khởi tố, bị truy tố oan sẽ được xin lỗi, được bồi thường và được cơ quan đơn vị nhận trở lại làm việc.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật Chính Pháp

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn