Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Toàn cảnh thế “long chầu hổ phục” của chùa Non Nước

Bài và ảnh: Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chùa Non Nước (xã Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội) không chỉ thu hút du khách nhờ lưu giữ những giá trị lịch sử thiêng liêng, hào hùng của dân tộc, mà còn bởi thế “long chầu hổ phục” giữa khung cảnh bao la, hùng vĩ của núi non trùng điệp.

  • Toàn cảnh thế “long chầu hổ phục” của chùa Non Nước - Ảnh 1  Chùa Non Nước vốn có tên Hán là Sóc Thiên Vương Thiền Tự, nằm trong quần thể khu di tích Đền Sóc ở độ cao hơn 110m so với chân núi. 
  • Toàn cảnh thế “long chầu hổ phục” của chùa Non Nước - Ảnh 2  Theo truyền thuyết, sau khi dẹp giặc Ân, trên đường về núi Sóc, Thánh Gióng đã dừng chân tại đây và xuống tắm ở hồ Tây. Khi lên đường, ngài để quên chiếc roi sắt bị gãy trong chiến trận. Vì thế, người dân lập đền thờ ở đây. 
  • Toàn cảnh thế “long chầu hổ phục” của chùa Non Nước - Ảnh 3  Trong cuốn “Thiền Uyển Tập Anh” và “Đại Việt Sử ký toàn thư” ghi rất rõ: Vị thiền sư đầu tiên trụ trì Sóc Thiên Vương Thiền Tự tên là Ngô Chân Lưu (933-1011), hậu duệ của Ngô Quyền. Năm 971, ông được vua Đinh Tiên Hoàng phong hiệu Khuông Việt Quốc sư. Đó là vị thiền sư đầu tiên được nhà nước phong kiến của Việt Nam phong tặng danh hiệu Quốc sư. 
  • Toàn cảnh thế “long chầu hổ phục” của chùa Non Nước - Ảnh 4  Lịch sử ghi nhận vị Quốc sư này cùng Vạn Hạnh Thiền sư đã phù trợ đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long, mở đầu cho thời kỳ hưng thịnh nhất của lịch sử Việt Nam. Khuông Việt Quốc sư trở thành Việt Nam tam triều Quốc sư (trải ba triều Đinh - Lê - Lý). 
  • Toàn cảnh thế “long chầu hổ phục” của chùa Non Nước - Ảnh 5  Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử và thiên nhiên, Sóc Thiên Vương Thiền Tự đã bị chôn vùi hoàn toàn. Sau khi nền chùa cũ được phát hiện, năm 2002, UBND TP Hà Nội đã cho xây dựng lại ngôi chùa bằng tiền của các tăng ni phật tử và thiện nam tín nữ quyên góp. Chùa được xây dựng trên nền đất cũ, thuộc sườn núi Non, phía Nam núi Nhà Bia. 
  • Toàn cảnh thế “long chầu hổ phục” của chùa Non Nước - Ảnh 6  Tòa chính điện có diện tích 260m2, cao 14m. Để xứng với vai trò ngôi chùa di tích của đất địa linh và là chốn Tổ đình xa xưa, công trình này đã sử dụng 30 tấn đồng đúc tượng, 600m3 gỗ lim, 30m3 đá xanh. Đặc biệt, trong chính điện, có tới 80 cột lim có chiều dài khoảng 13m, đường kính mỗi cây khoảng 35cm. Đây cũng là ngôi chùa có số cột gỗ lim trong chính điện nhiều nhất nước ta.
  • Toàn cảnh thế “long chầu hổ phục” của chùa Non Nước - Ảnh 7  Trước đó, năm 2000, Đại đức Thích Thanh Quyết đã cho đúc pho tượng đức Phật Thích Ca bằng đồng lớn nhất nước ta lúc bấy giờ. Bảo tượng được nghệ nhân Vũ Duy Thuấn thực hiện tại thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Tượng được thực hiện trong vòng 18 tháng với trọng lượng 20 tấn đồng đỏ đúc liền khối, đài sen cũng bằng đồng đúc liền khối với trọng lượng 10 tấn. Tượng có chiều cao 5,3m; đài sen cao 1,35m; bệ đá cao 1,75m. Nếu tính cả bệ đá thì Đại tượng có chiều cao 8,4m. Năm 2003, được đánh giá là một công trình nghệ thuật xuất sắc, góp phần tôn vinh nghề đúc đồng truyền thống của nước ta. 
  • Toàn cảnh thế “long chầu hổ phục” của chùa Non Nước - Ảnh 8  Vãn cảnh chùa, khách thập phương sẽ được hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ giữ lưng chừng núi. Nằm chính giữa dãy núi hình vòng cung, chùa Non Nước tựa như người ngồi trên chiếc ngai, hướng nhìn xuống vùng hồ nước và những xóm làng trù phú của huyện Sóc Sơn, Hà Nội. 
  • Toàn cảnh thế “long chầu hổ phục” của chùa Non Nước - Ảnh 9  Theo thuyết phong thủy, nơi đây được xây dựng trên thế long chầu hổ phục, tựa lưng vào 9 ngọn núi: Núi Đồng Sóc, núi Đá Đen (trên núi có đến hàng trăm phiến đá lớn nhỏ giống như từng đàn trâu, voi năm phủ phục), núi Voi Phục, núi Mũi Cày, núi Vẩy Rồng, núi Đá Chồng… 
  • Toàn cảnh thế “long chầu hổ phục” của chùa Non Nước - Ảnh 10  Hiện nay, ngày càng có nhiều du khách tới hành hương, vãn cảnh chùa Non Nước và các công trình tâm linh tại huyện Sóc Sơn như: Đền Sóc, Học viện Phật giáo Việt Nam, tượng đài Thánh Gióng...