“Canada đã quyết định tuyên bố ông Zhao Wei là người không được hoan nghênh,” ngoại trưởng Canada, Mélanie Joly, cho biết trong một tuyên bố hôm 8/5. “Quyết định đã được đưa ra sau khi xem xét cẩn thận tất cả các yếu tố liên quan.”
Quyết định hiếm hoi được đưa ra chỉ vài ngày sau khi văn phòng của Bộ trưởng Joly triệu tập đại sứ Trung Quốc Cong Peiwu để bày tỏ sự thất vọng về những nỗ lực can thiệp vào chính trị của Canada.
Chính phủ của ông Justin Trudeau đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc đáp trả Trung Quốc sau những tiết lộ rằng ông Zhao là một phần của chiến dịch bị cáo buộc, nhằm đe dọa và quấy rối nghị sĩ đảng Bảo thủ Michael Chong, cũng như gia đình của ông ở Hồng Kông.
Một báo cáo năm 2021 về ảnh hưởng của Trung Quốc tại Canada của Cơ quan Tình báo An ninh Canada (CSIS) bao gồm thông tin về các mối đe dọa tiềm ẩn đối với ông Chong và gia đình.
The Globe, trích dẫn một nguồn an ninh quốc gia, cho biết Zhao đã tham gia thu thập thông tin về nghị sĩ Chong khi ông tài trợ thành công cho một phong trào liên quan tới người Duy Ngô Nhĩ vào năm 2021.
Hôm 8/5, Chong cho biết quyết định trục xuất ông Zhao lẽ ra phải được đưa ra “nhiều năm trước” và do không hành động, Canada đã trở thành “phần nào đó trở thành sân chơi cho các hoạt động đe dọa can thiệp của nước ngoài”. Ông chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Trudeau vì đã không hành động sớm hơn và đã liên tục kêu gọi trục xuất Đại sứ Zhao, theo báo cáo của Globe.
Các phương tiện truyền thông Canada đã công bố một số báo cáo, trích dẫn các nguồn tin tình báo ẩn danh, cáo buộc các kế hoạch do chính phủ Trung Quốc điều hành nhằm can thiệp vào hai cuộc bầu cử gần đây nhất của Canada. Bắc Kinh đã phủ nhận những cáo buộc đó.
Thủ tướng Canada Trudeau trước đây từng khẳng định Trung Quốc đã cố gắng can thiệp vào các cuộc bầu cử năm 2019 và 2021, nhưng những nỗ lực không thay đổi được kết quả. Ông cũng chỉ định một điều tra viên đặc biệt độc lập để điều tra các cáo buộc.
Trung Quốc trước đó đã cảnh báo sẽ trả đũa nếu Canada loại bỏ một trong những nhà ngoại giao của họ, nhấn mạnh mối quan hệ căng thẳng giữa hai quốc gia.
Ngoại trưởng Joly thừa nhận khả năng có các biện pháp trừng phạt từ Bắc Kinh trong bài phát biểu trước ủy ban quốc hội hồi tuần trước đưa ra những điểm tương đồng với việc hai công dân Canada, Michael Kovrig và Michael Spavor, bị giam giữ như một hình phạt đối với việc Canada bắt giữ Mạnh Vãn Chu.
Căng thẳng ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc đã gia tăng kể từ vụ bắt giữ giám đốc điều hành Huawei Technologies, bà Mạnh Vãn Chu vào năm 2018 và sau đó Bắc Kinh bắt giữ hai công dân Canada với cáo buộc gián điệp. Cả ba đều được trả tự do vào năm 2021.
Năm ngoái, Bắc Kinh đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu cải dầu kéo dài 3 năm, loại cây trồng lớn nhất của Canada, từ các công ty thương mại Richardson International và Viterra. Các hạn chế được đưa ra sau vụ bắt giữ bà Mạnh, nhưng Trung Quốc viện lý do lo ngại về sâu bệnh trong các lô hàng nông sản để đưa ra lệnh cấm. Trung Quốc cũng là nhà nhập khẩu lớn kali và lúa mì của Canada.