Vào giữa tuần trước, Moody's Investors Service đã đưa ra một tin đáng báo động cho Tập đoàn Tài chính SVB, công ty mẹ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB): hãng xếp hạng tín dụng chuẩn bị hạ bậc tín nhiệm của ngân hàng này.
Từ cuộc điện thoại định mệnh
Cuộc điện thoại đó đã bắt đầu quá trình dẫn đến sự sụp đổ hôm 10/3 của ngân hàng - thất bại lớn nhất trong ngành ngân hàng Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Sự sụp đổ của SVB đã khiến các thị trường toàn cầu lo lắng và cổ phiếu ngành ngân hàng lao đao. Các nhà đầu tư lo ngại việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vừa qua mạnh tay tăng lãi suất để chống lạm phát đang phơi bày những lỗ hổng trong hệ thống tài chính.
Thất bại này cũng gây chấn động đối với hệ sinh thái khởi nghiệp của California, do nhiều công ty lo ngại không thể thu hồi tiền ký gửi tại SVB và ảnh hưởng đến phương thức trả lương.
Lo lắng việc hạ mức tín nhiệm có thể làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư và khách hàng đối với tình hình tài chính của ngân hàng, nhóm của Giám đốc điều hành SVB, Greg Becker, đã gọi điện cho nhiều chuyên gia ngân hàng của Goldman Sachs để xin lời khuyên và bay tới New York để gặp gỡ Moody's và các công ty xếp hạng khác.
SVB sau đó đã thực hiện một kế hoạch vào cuối tuần để tăng giá trị cổ phần. Đó là bán hơn 20 tỷ USD trái phiếu có lãi suất thấp và tái đầu tư số tiền thu được vào các tài sản mang lại lợi nhuận cao hơn.
Các nguồn tin cho biết giao dịch này sẽ bị lỗ, nhưng nếu SVB có thể lấp đầy khoản lỗ đó bằng cách bán cổ phiếu, thì sẽ tránh được việc bị hạ nhiều bậc.
Kế hoạch phản tác dụng
Tin tức về việc bán cổ phần đã khiến khách hàng, chủ yếu là các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, hoảng sợ và vội vã rút tiền đặt cọc, khiến việc huy động vốn bị đình trệ, và tới hôm 10/3 các cơ quan quản lý phải vào cuộc, đóng cửa ngân hàng.
Theo các nguồn tin, khi các giám đốc điều hành của SVB tranh luận về thời điểm tiến hành gây quỹ, họ đã biết thống tin hạ tín nhiệm từ Moody's sẽ diễn ra trong tuần này.
SVB lao vào hành động với hy vọng làm dịu tác động của sự việc.
Ngân hàng đã thu xếp với công ty cổ phần tư nhân General Atlantic và công ty đã đồng ý mua 500 triệu đô la trong số 2,25 tỷ USD bán cổ phiếu, trong khi một nhà đầu tư khác cho biết họ không thể đạt được thỏa thuận về thời hạn của SVB.
Đến ngày 7/3, SVB đã bán danh mục đầu tư trái phiếu với khoản lỗ 1,8 tỷ USD.
Moody's đã hạ bậc tín nhiệm của ngân hàng, nhưng chỉ ở mức thấp do SVB bán danh mục trái phiếu và lên kế hoạch tăng vốn.
Lý tưởng nhất là việc bán cổ phiếu sẽ được hoàn thành trước khi thị trường mở cửa vào ngày 9/5, để tránh việc bán bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự sụt giảm nào của cổ phiếu SVB sau khi tin tức về việc bán lan ra. Nhưng việc này đã không diễn ra theo kế hoạch, Reuters cho hay.
Bên cạnh đó, SVB đã không chuẩn bị những gì cần thiết để ký thỏa thuận bảo mật với các nhà đầu tư - vốn sẽ cam kết thực hiện một thỏa thuận quy mô như vậy. Nhiều luật sư cũng khuyên ngân hàng rằng các nhà đầu tư sẽ cần ít nhất 24 giờ để xem xét dự báo tài chính lạc quan và hoàn tất việc.
Cổ phiếu của SVB sụt giảm sau tin tức về việc bán cổ phiếu, kết thúc ngày 9/3 giảm 60% xuống còn 106,04 USD/cổ. Các nhân viên ngân hàng Goldman Sachs vẫn hy vọng họ có thể chốt đợt bán ở mức 95 USD.
Thông tin cho rằng các công ty đầu tư mạo hiểm đã tư vấn cho nhiều công ty khởi nghiệp rút tiền khỏi SVB vì lo ngại ngân hàng sụp đổ. Điều này nhanh chóng trở thành một lời tiên tri ứng nghiệm: General Atlantic cùng nhiều nhà đầu tư khác bỏ đi và việc bán cổ phiếu bất thành.