Theo đó, trong phiên giao dịch này, giá dầu Brent giao tháng 7 tăng 54 xu Mỹ, tương đương 1,5%, lên mức 36,29 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng leo dốc 67 xu Mỹ, tương đương 2,0%, lên mức 34,16 USD/thùng. Cả hai mặt hàng dầu này đều tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 11/3.
Trong một dấu hiệu mới nhất cho thấy tình trạng dư cung đang giảm xuống, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã giảm 5 triệu thùng trong tuần trước.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm 20/5 cho biết dự trữ dầu thô nội địa sụt 5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 15/5/2020, giảm tuần thứ 2 liên tiếp, cao hơn dự báo giảm 4,8 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API) và trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 2,4 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Dữ liệu của EIA cũng cho biết dự trữ dầu thô tại trung tâm lưu trữ Cushing đã sụt 5,5 triệu thùng trong tuần qua, qua đó làm giảm bớt lo ngại về thiếu cơ sở lưu trữ dầu mỏ.
Sản lượng dầu tại Mỹ cũng giảm khi báo cáo của EIA công bố ngày 20/5 cho thấy tổng sản lượng dầu giảm 100.000 thùng/ngày xuống 11,5 triệu thùng/ngày trong tuần trước. Trước đó, hôm 18/5, EIA đã dự báo sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ sẽ tiếp tục giảm thêm.
Do nhu cầu sụt giảm kỷ lục, giá “vàng đen” liên tục lao dốc trong những tháng đầu năm nay, với giá dầu Brent giảm sâu về mức thấp nhất trong 21 năm xuống dưới 16 USD/thùng trong tháng 4. Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ chứng kiến đà phục hồi kể từ đầu tháng 5 nhờ nỗ lực cắt giảm nguồn cung của các nhà sản xuất dầu lớn và nhu cầu đang tăng trở lại. Nhờ cung - cầu trên thị trường được thắt chặt hơn, giá dầu Brent đã tăng hơn 50% so với mức đáy hồi tháng 4.
Nhu cầu nhiên liệu đã tăng khi các nước bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa và biện pháp hạn chế được áp dụng trước đó để ngăn chặn đại dịch Covid-19.
Số liệu thống kê cho thấy Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, đang tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày.
Nhà phân tích Paola Rodriguez Masiu của Rystad Energy cho rằng, giá dầu đang được hỗ trợ khi nguồn cung đang được kiểm soát thông qua việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ và nhu cầu đang dần phục hồi tại Bắc Á, đặc biệt là ở Trung Quốc.
Ngoài ra, tính đến nay, OPEC+ đã giảm lượng dầu xuất khẩu khoảng 6 triệu thùng/ngày. Điều này cho thấy một khởi đầu tốt trong quá trình thực hiện thỏa thuận cắt giảm mà các nước này đã đạt được hồi tháng trước.