70 năm giải phóng Thủ đô

Tổng thống Biden ra sức thay đổi đánh giá của cử tri Mỹ

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cuộc thăm dò cho thấy lạm phát cao là yếu tố chính khiến cử tri Mỹ không tán thành cách xử lý nền kinh tế của Tổng thống Joe Biden - một nhận thức có nguy cơ hủy hoại nỗ lực tái tranh cử của ông vào năm tới.

Tổng thống Biden được ghi nhận với các quyết sách giúp giảm bớt áp lực chuỗi cung ứng và hạ nhiệt lạm phát trước mùa mua sắm nghỉ lễ cuối năm ở Mỹ, nhưng ông thừa nhận vẫn cần phải hành động nhiều hơn nữa.

"Chúng tôi biết giá nhiều mặt hàng vẫn còn quá cao, là thời điểm khó khăn đối với nhiều gia đình" - Tổng thống Biden phát biểu tại Nhà Trắng hôm 27/11 - "Chúng tôi đã đạt được tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm".

Trọng tâm nỗ lực của chính quyền Biden là một hội đồng tập trung vào khả năng phục hồi chuỗi cung ứng của Nhà Trắng - một cơ quan cấp Nội các mà Tổng thống đã thành lập hôm 27/11. Hội đồng này sẽ tiến hành đánh giá chuỗi cung ứng 4 năm một lần, phản ánh các tài liệu chiến lược tương tự được chuẩn bị cho quốc phòng và an ninh nội địa. Lần đánh giá đầu tiên sẽ diễn ra vào cuối năm 2024.

Cũng trong bài phát biểu, ông Biden đã chỉ trích các công ty đang cố tình giữ giá hàng tiêu dùng cao, ngay cả khi các vấn đề về chuỗi cung ứng đã giảm bớt. Nhà lãnh đạo nói: "Ở thời điểm khi lạm phát đã giảm và chuỗi cung ứng đã được củng cố lại, đã đến lúc phải chấm dứt tình trạng tăng giá".

Bình luận của ông Biden được đưa ra vào ngày khuyến mãi thường niên Cyber Monday (Thứ Hai điện tử), giữa bối cảnh kỳ nghỉ lễ năm nay sẽ là một thử thách về sức mạnh tiêu dùng của Mỹ, do số tiền tiết kiệm của người dân trong thời kỳ đại dịch ngày càng giảm, và lãi suất vẫn ở mức cao nhất trong 2 thập kỷ.

Theo Adobe Inc., người mua sắm ở Mỹ có thể chi tới 12,4 tỷ USD tiền mua sắm trực tuyến trong Cyber Monday, sau khi điều chỉnh dự báo ban đầu là 12 tỷ USD chi tiêu vào Black Friday (Thứ Sáu Đen tối) mạnh hơn dự kiến. Tuy nhiên, một số người mua hàng đang sử dụng các tính năng mua ngay trả tiền sau cho phép họ mở rộng ngân sách của mình.

Các cuộc thăm dò cho thấy lạm phát cao là yếu tố chính khiến cử tri Mỹ không tán thành cách xử lý nền kinh tế của Tổng thống Biden - một nhận thức có nguy cơ hủy hoại nỗ lực tái tranh cử của ông vào năm tới.

"Bạn biết đấy, chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ. Từ món gà tây, di chuyển bằng đường hàng không đến bình xăng ô tô, nhiều chi phí đã giảm" - ông Biden nói hôm 27/11 - "Tính theo phần thu nhập, bữa tối của Lễ Tạ ơn năm nay sẽ là bữa tối rẻ thứ tư (của Mỹ) từ trước đến nay".

Theo phân tích của Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco, áp lực về chuỗi cung ứng sau đại dịch chiếm 60% nguyên nhân khiến lạm phát gia tăng ở Mỹ. Nhà Trắng đặc biệt nhấn mạnh lời giải thích đó vì nó coi đại dịch - chứ không phải biện pháp kích thích tài chính của Chính phủ để ứng phó - là nguyên nhân chính khiến giá cả tăng cao.

Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Lael Brainard nói với các phóng viên trước thềm Lễ Tạ ơn: “Chúng tôi hài lòng với tiến bộ trong chuỗi cung ứng, cho thấy giá cả mọi thứ từ gà tây đến giá xăng cho các gia đình trong Lễ Tạ ơn này đều thấp hơn, nhưng chúng tôi quyết tâm tiếp tục làm việc”.

Là một phần của các bước được công bố hôm 27/11, Tổng thống Biden đã viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để đầu tư 35 triệu USD vào nguyên liệu ban đầu cho thuốc tiêm vô trùng. Bộ Quốc phòng cũng đang lên kế hoạch báo cáo về chuỗi cung ứng dược phẩm và sự phụ thuộc của Mỹ vào các nhà cung cấp nước ngoài có rủi ro cao.

Bộ Năng lượng Mỹ cũng đã công bố khoản tài trợ gần 300 triệu USD cho các cộng đồng than để chuyển đổi sang cái mà họ gọi là "chuỗi cung ứng năng lượng sạch".

Nhà kinh tế Jesse Rogers của Moody's Analytics đã gọi những thông báo của Biden hôm 27/11 là "một bước đi đúng hướng". Rogers nói với Bloomberg: "Mặc dù không thể giải quyết ngay một số vấn đề phức tạp hơn đang gây khó khăn cho chuỗi cung ứng, nhưng các biện pháp nhắm vào dược phẩm, cơ sở hạ tầng khí hậuvà hậu cần sẽ tăng cường khả năng phục hồi và thúc đẩy cơ sở hạ tầng thông minh và hợp tác toàn cầu".