Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng thống Chile trước nguy cơ bị luận tội vì Hồ sơ Pandora

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hạ viện Chile hôm 9/11 đã bỏ phiếu luận tội Tổng thống Sebastián Piñera về các cáo buộc tham nhũng được nêu ra trong cuộc điều tra Pandora Papers.

Hồ sơ Pandora - công bố tài liệu mới nhất về các khoản tài chính "chìm" thông qua cuộc điều tra của The Washington Post và các đối tác truyền thông do Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) dẫn đầu cho thấy một công ty khai thác mỏ do các con của ông Piñera sở hữu đã được bán với giá 152 triệu USD cho một người bạn thân của tổng thống - doanh nhân người Chile Carlos Alberto Délano. Việc mua bán được thực hiện vào tháng 12/2010, gần 9 tháng sau nhiệm kỳ chủ tịch đầu tiên của Piñera.
 Tổng thống Chile Sebastián Piñera. Ảnh: Washington Post
Khoản thanh toán cuối cùng trong thỏa thuận phụ thuộc vào việc chính phủ từ chối áp đặt các biện pháp bảo vệ môi trường đối với khu vực khai thác, một điều khoản bị các chính trị gia đối lập coi là xung đột lợi ích "nghiêm trọng".

Trước thông tin này, ông Piñera đã phủ nhận hành vi sai trái, khẳng định ông và gia đình không hề có các công ty đầu tư được thành lập ở nước ngoài. Tổng thống Chile cũng khẳng định đã "tách biệt hoàn toàn" khỏi các doanh nghiệp gia đình trước khi đảm nhận nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, kết thúc vào năm 2014. Ông tái nhậm chức vào năm 2018.

Hạ viện của Chile đã giành được 78 phiếu cần thiết để thông qua phiên tòa luận tội tổng thống sau một phiên họp kéo dài hôm 8/11. Vấn đề hiện đang chuyển sang Thượng viện. 

Tổ chức Oxfam gọi Hồ sơ Pandora là sự phơi bày gây sốc về “đại dương tiền” đang nằm trong bóng tối của các “thiên đường thuế” trên thế giới. Hồ sơ Pandora là vụ rò rỉ thông tin mới nhất, sau Hồ sơ Panama (năm 2016) và Hồ sơ Paradise (năm 2017). 
 Cuộc điều tra hồ sơ này có sự tham gia của khoảng 600 nhà báo từ hàng chục hãng truyền thông như The Washington Post của Mỹ và The Guardian của Anh.
Với 2,94 terabyte dữ liệu, việc xác thực Hồ sơ Pandora là cuộc kiểm định lớn nhất do ICIJ tổ chức cùng một nhóm gồm 150 tờ báo.
Đây không phải lần đầu có chính khách trên thế giới "điêu đứng" vì các hồ sơ tài chính này. Hồ sơ Panama năm 2016 do ICIJ triển khai và tiết lộ đã khiến hàng loạt chính trị gia, quan chức đã phải từ chức, trong đó có Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, Bộ trưởng công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria. Đồng thời những thông tin trong tài liệu này cũng khiến cựu thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif bị kết án tù 10 năm vì tội tham nhũng.