Tổng thống Mỹ công du châu Âu: Khôi phục niềm tin sau 4 năm sóng gió

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu chuyến công du châu Âu 8 ngày kể từ hôm 9/6, với nỗ lực hàn gắn quan hệ xuyên Đại Tây Dương vốn căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Anh sẽ là điểm dừng chân đầu tiên của ông Biden. Tại đây, ông sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh G7. Tổng thống Biden sẽ gặp lãnh đạo các nước đối tác G7 như: Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản từ 11 - 13/6 tại một khu nghỉ dưỡng ven biển ở Tây Nam nước Anh, sau đó sẽ thăm Nữ hoàng Elizabeth ở Lâu đài Windsor. Tiếp sau đó, Tổng thống Biden sẽ đến Bỉ để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong ngày 14/6 và gặp gỡ các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại đây. Chốt lại chuyến công du, ông Biden sẽ gặp người đồng cấp Nga ngày 16/6 tại Geneva. Đáng nói, chuyến thăm diễn ra ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin (dự kiến vào 16/6).
  Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: EPA
Ngay từ lịch trình của Tổng thống Biden trong chuyến công du lần này đã gửi đi một thông điệp rõ ràng tới Tổng thống Putin đó là: Ông Biden sẽ đại diện cho một liên minh dân chủ chứ không chỉ nước Mỹ. Chia sẻ về chuyến đi lần này, ông Biden nhận định: “Liệu các liên minh và các thể chế dân chủ đóng vai trò định hình thế kỷ trước có thể chứng minh khả năng của họ trước những mối đe dọa và đối thủ hiện nay không? Tôi tin rằng câu trả lời là có. Và tuần này ở châu Âu, chúng ta sẽ có cơ hội chứng minh điều đó”. Với bình luận này, ông Biden muốn gửi thông điệp về việc quay lại quan điểm truyền thống của Mỹ sau 4 năm biến động dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Trong bối cảnh thế giới phải đối phó với đại dịch Covid-19, Tổng thống Biden đã xác định vị trí của Mỹ như một thành viên quan trọng nhất trong việc chia sẻ vaccine và đảm bảo khôi phục kinh tế. Ông cũng nối lại các cuộc đàm phán với Iran và khẳng định vị thế lãnh đạo trong nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu của hành tinh.

Tuy nhiên, trải qua 4 năm đầy xáo trộn dưới thời chính quyền Trump, các đối tác châu Âu hiện vẫn lưu ý những cam kết của ông Biden với thái độ hoài nghi. Tháng trước, hợp tác xuyên Đại Tây Dương trải qua rạn nứt khi Washington phủ quyết nỗ lực của Pháp tại Liên Hợp quốc nhằm yêu cầu lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas ở Gaza. Những nỗ lực của Tổng thống Biden nhằm chia sẻ vaccine với thế giới cũng chỉ mới diễn ra sau khi Washington vấp phải sự chỉ trích trong một thời gian dài vì đã tích trữ vaccine Covid-19. Rõ ràng, các đối tác châu Âu đã thở phào với sự thay đổi mạnh mẽ về tông giọng giữa chính quyền Mỹ mới và chính quyền cựu Tổng thống Trump - người cho rằng các đồng minh lâu năm của Mỹ là những mối đe dọa về an ninh quốc gia, đặt câu hỏi về vai trò của NATO và bác bỏ những bằng chứng khoa học về sự ấm lên toàn cầu.

"Giải thích một cách lạc quan thì Tổng thống Biden đang khởi động một mối quan hệ mới, thể hiện niềm tin vào Brussels và NATO nhằm nâng cấp liên minh xuyên Đại Tây Dương trong thế kỷ 21", nhà quan sát Jana Puglierin, Giám đốc Hội đồng Đối ngoại châu Âu tại Berlin, Đức nhận định với New York Times. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng kỳ vọng một mối quan hệ “có đi có lại” . Đây không phải tình yêu vô điều kiện mà là tình bạn có chung lợi ích, theo chuyên gia này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần