Theo dữ liệu giao dịch từ Sàn giao dịch Liên lục địa (ICE), đầu phiên giao dịch ngày 7/10, giá khí đốt kỳ hạn giao tháng 11 duy trì ở mức gần 1.260 USD/1.000 m3, sau đó tăng lên 1.370 USD/1.000m3 và quay đầu giảm mạnh. Đến cuối phiên sáng ngày thứ Năm, giá khí đốt sụt về mức 973 USD/1.000 m3, giảm hơn 22% so với phiên ngày 6/10.
Giá khí đốt tại châu Âu giảm mạnh về mức dưới 1.000 USD/1.000m3 trong phiên giao dịch ngày 7/10. Ảnh: RT |
Trước đó, mở đầu phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá khí đốt tại châu Âu đã lập kỷ lục khi nhảy vọt lên mức 1.937 USD/1.000 m3, tăng gần 3 lần so với tháng 9/2021. Tuy nhiên, giá khí đốt giao tương lai lao dốc ở cuối phiên sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết Moscow sẽ bổ sung nguồn cung năng lượng cho châu Âu.
“Châu Âu đã đề nghị Nga tăng nguồn cung khí đốt trên thị trường, trên sàn giao dịch, nhằm giảm nhu cầu đầu cơ và tình trạng hỗn loạn ở châu Âu. Nga sẽ đáp ứng yêu cầu của châu Âu”, Tổng thống Putin phát biểu tại cuộc họp trực tuyến về các vấn đề phát triển năng lượng hôm 6/10.
Tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom đã bị chỉ trích trong những tuần gần đây vì không tăng thêm nguồn cung khí đốt đến châu Âu - điều mà Nga phủ nhận.
Cũng trong cuộc họp hôm 6/10, Tổng thống Putin khẳng định rằng Nga có thể cung cấp nhiều khí đốt hơn tới châu Âu qua Ukraine - thậm chí nhiều hơn so với hợp đồng - và sẽ đạt kỷ lục trong năm nay. Người đứng đầu Điện Kremlin cũng kêu gọi tập đoàn Gazprom tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với việc cung cấp khí đốt cho EU thông qua Ukraine.
Ngoài tuyên bố Nga sẽ giúp châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, Tổng thống Putin đã chỉ ra những yếu tố dẫn đến sự bùng nổ giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, giá khí đốt tại châu Âu tăng cao bắt nguồn từ nhiều yếu tố, đồng thời nhấn mạnh "chỉ những người nghiệp dư" mới có thể đổ lỗi cho Nga về khủng hoảng khí đốt hiện nay. “Chúng tôi khẳng định Nga không có trách nhiệm về vấn đề bất ổn năng lượng tại châu Âu trong thời gian qua. Nga đã hoàn thành và sẽ thực hiện tất cả các nghĩa vụ theo hợp đồng khí đốt giữa Moscow và châu Âu”- ông Dmitry Peskov lưu ý.
Theo ông Peskov, cuộc khủng hoảng khí đốt tại châu Âu là do nhu cầu tăng mạnh khi nền kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19, trong khi nguồn dự trữ khí đốt tại châu lục này lại thấp kỷ lục./.