Tổng thống Putin vắng mặt, đàm phán Nga-Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ nguy cơ bế tắc cao
Kinhtedothi - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cử trợ lý và thứ trưởng đến Thổ Nhĩ Kỳ để tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine, từ chối lời đề nghị từ ông Zelensky muốn ông trực tiếp gặp mặt tại Istanbul.
Ngày 14/5, Điện Kremlin công bố danh sách phái đoàn đàm phán tại Istanbul, không có tên ông Putin, dù trước đó, hôm Chủ nhật (11/5), ông Putin từng đề xuất tổ chức đàm phán trực tiếp và ông Zelensky tuyên bố sẽ chờ nhà lãnh đạo Nga.
Ukraine, quốc gia chưa xác nhận việc cử phái đoàn tham dự, vẫn chưa có phản ứng rõ ràng. Tình hình tại Istanbul đang khá hỗn loạn khi phóng viên tập trung gần văn phòng cung điện Dolmabahce – nơi Nga chỉ định làm địa điểm đàm phán. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ chưa công bố thời gian và địa điểm cụ thể. Hãng thông tấn TASS đưa tin cuộc họp sẽ bắt đầu lúc 10 giờ sáng thứ Năm (15/5) theo giờ địa phương, nhưng một quan chức Ukraine bác bỏ, khẳng định chưa có thỏa thuận về thời điểm khởi động.

Thành phố Istabul, Thổ Nhĩ Kỳ - nơi sẽ diễn ra cuộc đàm phán Nga - Ukraine. Ảnh: TASS
Ông Zelensky trước đó đã tuyên bố chỉ sẵn sàng đàm phán trực tiếp với ông Putin và đặt nghi vấn về việc liệu ông Putin có xuất hiện hay không. Điện Kremlin cho biết ông Putin không đưa ra phản hồi đối với các yêu cầu mang tính tối hậu thư.
Lần gần nhất hai bên tổ chức đàm phán trực tiếp - cũng tại Istanbul - là vào tháng 3/2022, chỉ vài tuần sau khi Nga triển khai lực lượng đến Ukraine. Hiện tại, cả hai phía đều muốn chứng tỏ với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng họ thực sự nghiêm túc trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Ông Trump đã công khai kêu gọi chấm dứt cuộc chiến vô nghĩa này và cảnh báo sẽ rút khỏi các nỗ lực ngoại giao nếu không có tiến triển cụ thể.
Sau cuộc gặp với ông Zelensky tại Phòng Bầu dục hồi tháng 2, ông Trump được cho là ngày càng tỏ ra thiếu kiên nhẫn với tiến trình ngoại giao giữa hai bên, đặc biệt là với ông Putin. Trong những tuần gần đây, ông đã đề cập đến khả năng áp dụng thêm các biện pháp hạn chế nhằm vào hoạt động thương mại của Nga. Trong chuyến công du Trung Đông, ông Trump cho biết có thể tham dự các cuộc đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Sáu nếu các điều kiện phù hợp.
Ông Zelensky đề xuất một lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày, trong khi ông Putin cho rằng cần bắt đầu đàm phán để làm rõ các điều khoản cụ thể của thỏa thuận ngừng bắn. Tại cuộc họp NATO ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết không có giải pháp quân sự cho tình hình hiện nay, đồng thời nhấn mạnh ông Trump sẵn sàng tiếp nhận mọi cơ chế hướng tới hòa bình.
Phái đoàn Nga do cố vấn tổng thống Vladimir Medinsky dẫn đầu, bao gồm một thứ trưởng quốc phòng, một thứ trưởng ngoại giao và người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự GRU. Theo Điện Kremlin, ông Putin đã có cuộc họp đêm với các bộ trưởng, chỉ huy quân sự và lãnh đạo tình báo để chuẩn bị cho cuộc đàm phán. Tuy nhiên, một nguồn tin từ phía Ukraine từng tham dự cuộc họp năm 2022 cho rằng ông Medinsky không có đủ thẩm quyền để đưa ra quyết định mang tính chiến lược.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot nhận định ông Zelensky đã thể hiện thiện chí thông qua việc trực tiếp đến Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi ông Putin không có mặt tại địa điểm đàm phán. Ông Barrot cho rằng điều này cho thấy phía Nga chưa thực sự thể hiện rõ cam kết đối với tiến trình đối thoại, dù phía ông Trump đã bày tỏ thiện chí hỗ trợ. Estonia, quốc gia thành viên NATO và EU, đánh giá việc Nga chỉ cử một phái đoàn cấp thấp là chưa tương xứng với tính chất của cuộc đàm phán.
Tình hình giữa Nga và liên minh do Mỹ đứng đầu tiếp tục căng thẳng. Estonia cáo buộc một chiến đấu cơ Nga vi phạm không phận NATO trong lúc nước này đang thực thi lệnh trừng phạt. Trong khi đó, điều kiện để tổ chức đàm phán vẫn chưa rõ ràng khi hai bên còn nhiều bất đồng. Nga đề nghị Ukraine từ bỏ ý định gia nhập NATO và nhượng lại lãnh thổ. Ukraine phản đối các điều kiện này và đang tìm kiếm các bảo đảm an ninh lâu dài từ các cường quốc, đặc biệt là Mỹ.

Việt Nam - Nga thúc đẩy hợp tác chiến lược và phát triển bền vững
Kinhtedothi - Trong không khí trọng thể tại Moscow, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế, công nghệ và quốc phòng, củng cố quan hệ song phương bền chặt nhân dịp 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nga.

Thúc đẩy quan hệ hợp tác cấp địa phương giữa TP Hà Nội và Liên bang Nga
Kinhtedothi - Thực hiện Kế hoạch hoạt động đối ngoại của TP Hà Nội năm 2025, từ ngày 6 - 10/5, Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền làm trưởng đoàn, thăm và làm việc tại Liên bang Nga.

Tổng thống Trump nhập cuộc, Istanbul sắp thành điểm hẹn lịch sử của Nga – Ukraine?
Kinhtedothi - Trong bối cảnh đề xuất đàm phán trực tiếp tại Istanbul từ Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận được phản ứng tích cực từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, thế giới đang hướng ánh mắt về Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có thể chứng kiến bước ngoặt lịch sử trong nỗ lực chấm dứt một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất châu Âu kể từ Thế chiến II.