Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Căn hộ trên 1 tỷ đồng/m2 lấn át căn hộ bình dân

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sản phẩm căn hộ cao cấp được đẩy giá lên tới 1 tỷ đồng/m2 tiếp tục chiếm ưu thế, trong khi không có bất cứ một sản phẩm nhà ở bình dân nào được đưa ra thị trường, trong 9 tháng đầu năm 2022, tại TP Hồ Chí Minh.

Hiệp Hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng về tình hình nhà đất, thị trường BĐS tại địa bàn TP này trong 9 tháng đầu năm.

Về tổng thể, thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận có sự phục hồi mạnh mẽ sau khoảng thời gian dài trầm lắng do đại dịch Covid-19. Cụ thể, trong 9 tháng có 21 doanh nghiệp BĐS tại địa bàn TP Hồ Chí Minh tổ chức huy động vốn để phục vụ đầu tư, xây dựng, tăng 61,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số căn hộ nhà ở mới được đưa ra thị trường đạt 11.600 căn, tăng 70,5% so với cùng kỳ.

9 tháng đầu năm thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh tiếp tục vắng bóng sản phẩm nhà ở bình dân. (Ảnh minh họa).
9 tháng đầu năm thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh tiếp tục vắng bóng sản phẩm nhà ở bình dân. (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, đáng quan ngại là tình trạng lệch pha cung - cầu tiếp tục có diễn biến sâu sắc, do thiếu nguồn cung dự án dẫn đến thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là sản phẩm nhà ở bình dân. Trong số 11.600 sản phẩm mới được đưa ra thị trường, thì có đến trên 9.300 sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp (từ 40 triệu đồng/m2 trở lên), tăng 136,3% so với cùng kỳ năm 2021; phân khúc căn hộ trung cấp đạt gần 2.300 căn, giảm 19,9% so với cùng kỳ.

“Nhà ở vừa túi tiền, nhà ở bình dân có giá dưới 2 tỷ đồng/căn (dưới 30 triệu đồng/m2) và nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở cho đa số người yếu thế trong xã hội tiếp tục vắng bóng trên thị trường. Trong đó, loại nhà ở bình dân năm 2020 chỉ có 163 căn hộ, chiếm 1%; Năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022 không còn nhà ở bình dân (0%). Thị trường TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện dự án và căn hộ “siêu sang” với giá rao bán lên đến trên dưới 500 triệu đồng/m2, cá biệt lên đến 1 tỷ đồng/m2” - Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho hay.

Cũng theo đại diện HoREA, thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh nói riêng đang có dấu hiệu “giảm tốc”, giao dịch nhà đất sụt giảm trên dưới 50% ở một số dự án, khu vực. Nhưng giá nhà đất vẫn còn neo giữ mức giá cao do doanh nghiệp và cả nhà đầu tư có tâm lý kỳ vọng thị trường sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, cũng do sử dụng đòn bẩy tài chính lớn (thường chiếm đến 50 - 70%) nên sức chịu đựng có hạn đành phải “xả hàng”, thậm chí chấp nhận bán lỗ để cắt lỗ để bảo tồn phần vốn còn lại.

Ngoài ra, việc huy động vốn của các dự án nhà ở thương mại cũng đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, trong 9 tháng tổng giá trị cần huy động vốn của các dự án lên đến 103.780 tỷ đồng tăng đến 653,5%, cao hơn 6,5 lần so với cùng kỳ năm 2021, nhưng chỉ huy động được 15.880 tỷ đồng.

“Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ thêm hạn mức tín dụng cho 18 ngân hàng thương mại, nhưng theo ước tính lượng tín dụng được phân bổ thực tế chỉ vào khoảng 175.000 - 200.000 tỷ đồng. Như vậy Ngân hàng Nhà nước còn giữ lại chưa phân bổ khoảng 200.000 tỷ đồng và vẫn đang giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, nếu nới “room” tín dụng thêm 1 - 2% nữa thì sẽ có thêm khoảng trên dưới 200.000 tỷ đồng được bổ sung vào nền kinh tế để giải “cơn khát vốn” của nền kinh tế, trong đó có thị trường BĐS” - ông Lê Hoàng Châu cho biết thêm.

Trước những khó khăn của thị trường, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ xem xét có thể nới trần room tín dụng thêm khoảng từ 1 - 2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 - 200.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm. Đồng thời, xem xét sửa đổi Thông tư số 20/2021/TT-NHNN để cho phép các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước chỉ định (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agrikbank) được cho cá nhân, hộ gia đình vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.