Trong đề xuất chủ trương ban hành quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông công lập từ năm học 2022 - 2023 và các năm học tiếp theo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Sở GD&ĐT đề xuất UBND TP cho phép tăng học phí từ năm học 2022 - 2023.
Theo đó, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đề xuất thời gian áp dụng bắt đầu từ quý II/2022.
Sở GD&ĐT nhấn mạnh, mức học phí năm học 2022 - 2023 đề xuất là căn cứ trên mức sàn - mức thấp nhất, dù đúng quy định song so với năm học 2021 - 2022 và các năm học trước là có tăng.
Tuy vậy, Sở GD&ĐT nhận định, khung học phí đang đề xuất là phù hợp với điều kiện thực tế. Trong điều kiện còn hạn hẹp về tài chính, học phí là nguồn bổ sung tài chính quan trọng, thể hiện sự chia sẻ chi phí giữa nhà nước, xã hội và người học, nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục.
Để việc tăng học phí không ảnh hưởng đến đời sống của bộ phận người dân có thu nhập thấp, Sở GD&ĐT khẳng định TP khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh, sinh viên trên địa bàn thuộc các diện chính sách được đi học. Đồng thời, sẽ luôn đi đầu trong các chính sách miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập theo đúng quy định, xây dựng các chính sách miễn, giảm, hỗ trợ khác đặc thù khác của thành phố góp phần ổn định tình hình đi học…
Cụ thể, Sở GD&ĐT đề xuất mức tăng học phí như sau:
Đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên: Áp dụng mức sàn học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức sàn học phí đối với các địa bàn dân cư thành thị và nông thôn tương đương với nhóm 1 và nhóm 2 là 100.000 đến 300.000 đồng/học sinh/tháng.
Từ năm học 2023 - 2024, sẽ căn cứ thực hiện theo Khoản 3 Điều 9 của Nghị định.
Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập tự đảm bảo chi thường xuyên: Thực hiện theo quy định tại Điểm b, c, Khoản 2 Điều 9 của Nghị định.
Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất mức thu học phí từ năm học 2022 - 2023 đối với cơ sở giáo dục tiểu học chưa tự đảm bảo chi thường xuyên bằng mức sàn mức thu học phí đối với các địa bàn dân cư thành thị và nông thôn tương đương với nhóm 1 và nhóm 2 là 100.000 đến 300.000 đồng/học sinh/tháng, căn cứ theo Điểm a, khoản 2, Điều 9 Nghị định.
Đề xuất học phí đối với cấp tiểu học quy định tại khoản này sẽ làm căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở địa bàn chưa đủ trường tiểu học công lập và các đối tượng học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định.
Liên quan đến công tác giáo dục trên địa bàn TP, chiều cùng ngày 21/4, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ GD&ĐT giao TP cơ chế đặc thù để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, UBND TP sẽ chịu trách nhiệm toàn diện, thực hiện tất cả khâu tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương. Trong khi đó, đề thi do Sở tự xây dựng.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT còn kiến nghị Bộ GD&ĐT cho phép Đại học Sài Gòn (trường thuộc UBND TP) tự chủ tuyển sinh các mã ngành đào tạo giáo viên đặc thù như Tin học, môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật); đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho các ngành như Tiếng Hàn, Tiếng Nhật, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Pháp đáp ứng chương trình ngoại ngữ 2, nhằm tạo nguồn giáo viên, tổ chức các môn học tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ GD&ĐT giao UBND TP thẩm định nội dung và ban hành khung nội dung tài liệu giáo dục địa phương, việc biên soạn, in ấn và phát hành tài liệu thực hiện xã hội hóa, giao quyền chủ động cho UBND TP về giao chỉ tiêu lớp thường trong trường chuyên….