TP Hồ Chí Minh: Lắp đặt cầu bộ hành đầu tiên trên tuyến metro số 1

Đây là cầu bộ hành kết nối tuyến metro số 1 với Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Theo đó, quá trình chuẩn bị các công tác triển khai thi công được bắt đầu từ 23 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau.
Nhằm đảm bảo công tác an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua khu vực, Đội CSGT Rạch Chiếc cũng đã có mặt hỗ trợ điều tiết, phân luồng giao thông.

Tại công trường, các loại xe chở dầm, xe cẩu dầm có tải trọng 400 tấn và 550 tấn đều di chuyển đến khu vực, sẵn sàng cho việc lắp đặt dầm cầu bộ hành đầu tiên.
Đơn vị thi công cũng đã tổ chức họp tại hiện trường để triển khai nhiều nhóm công việc trước khi tiến hành nâng dầm. Các công nhân công trình làm việc xuyên đêm để hoàn thành việc lắp dựng dầm cầu.

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR) cho biết, nhánh phải của cầu bộ hành nhà ga khu công nghệ cao có tổng chiều dài khoảng 80m, được chia thành 3 nhịp cầu với độ dài là 32m, 26m và 22m. Mỗi nhịp cầu bao gồm 2 phiến dầm với tải trọng từ 46 tấn đến 75 tấn.
Thiết kế cầu bộ hành có hình dáng tương tự nhà ga, dầm bê tông phối hợp với kết cấu mái thép nhằm đảm bảo tiêu chí thẩm mỹ.
Sau 2 tiếng chuẩn bị, dầm cầu có chiều dài 32m được đưa lên bởi xe cẩu chuyên dụng, các công nhân bắt đầu cố định hai đầu dầm. Đến 2 giờ 30 phút, dầm cầu đã được lắp đặt hoàn chỉnh.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Hải - kỹ sư phụ trách cầu bộ hành cho biết: “Đường Võ Nguyên Giáp có mật độ giao thông cao, vì thế cầu bộ hành sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người đi bộ băng qua đường và tạo điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng tuyến metro số 1”.
Bên cạnh đó, cầu bộ hành cũng là lối thoát hiểm trong trường hợp xảy ra sự cố hoặc cháy nổ tại các nhà ga. Đặc biệt, cầu bộ hành có kiến trúc đẹp mắt, tạo điểm nhấn cho tuyến đường trên cao trong TP Thủ Đức.

"Hôm nay nhà thầu triển khai lắp đặt dầm cầu bộ hành đầu tiên của TP. Chúng tôi nỗ lực hết mình để đẩy nhanh tiến độ thi công. Dự kiến gác dầm cuối cùng của cầu bộ hành nhà ga khu công nghệ cao sẽ hoàn thành vào ngày mai (6/11). Sau đó, nhà thầu sẽ tiến tới lắp đặt các bản mặt cầu và hoàn thiện phần mái kết cấu” - ông Hải nói.
Chia sẻ về kế hoạch thi công, ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Bến Thành - Suối Tiên cho biết, sau phần dầm, nhà thầu sẽ chuyển sang lắp các kết cấu bên trên như khung mái tôn, lắp đèn, bảng hiệu, lát gạch lối đi,…
Cũng theo ông Hiếu, thời gian sắp tới, việc lắp đặt kết cấu phần trên sẽ tiếp tục tại các vị trí cầu bộ hành khác, bao gồm ga Bình Thái (12/2023), ga Phước Long và Rạch Chiếc (1/2024) và ga Tân Cảng (2/2024). Đến thời điểm hiện tại, các thân trụ và vế thang của các cầu bộ hành tại 5 vị trí đã hoàn thành. Hiện nay, đơn vị thi công đã đúc xong 3 trên tổng số 86 dầm cầu bộ hành và sẽ được lắp đặt đúng kế hoạch.

Tăng cường bảo vệ vật tư, thiết bị trên công trường metro Bến Thành-Suối Tiên
Kinhtedothi - Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi các nhà thầu dự án tuyến metro số 1 TP Hồ Chí Minh (Bến Thành-Suối Tiên) về tăng cường công tác bảo vệ, giữ gìn vật tư thiết bị trên công trường đang thi công.

Thủ tướng đi thử nghiệm tàu metro Bến Thành – Suối Tiên
Kinhtedothi - Chiều 15/4, tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đi thực địa, nghe báo cáo về dự án xây dựng nút giao thông An Phú, khảo sát dự án xây dựng Tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên).

Metro Bến Thành - Suối Tiên hoàn trả mặt bằng thi công cho Công viên 23/9
Kinhtedothi - Sau 7 năm quây kín để thi công nhà ga ngầm, chủ đầu tư tuyến Metro số 1 đã cho tháo dỡ rào chắn, hoàn trả 8.000 m2 mặt bằng Công viên 23/9.