TP Hồ Chí Minh sẽ chuyển đổi khoảng 400.000 xe máy chạy bằng xăng sang điện
Kinhtedothi – Việc thay xe máy chạy bằng nhiên liệu xăng sang điện nằm trong đề án “Kiểm soát khí thải trên địa bàn TP Hồ Chí Minh” do Sở Xây dựng chủ trì. Dự kiến áp dụng từ tháng 1/2026, chuyển đổi dần khoảng 400.000 xe máy chạy bằng xăng của người đang hành nghề shipper, xe ôm công nghệ.
Bán xe điện trả góp cho người hành nghề xe ôm công nghệ
Đây là thông tin do Sở Xây dựng và Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh thông tin với báo chí tại buổi họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn vào chiều 17/7.

Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải cho biết, sẽ chuyển đổi 400.000 xe ôm công nghệ chạy xăng sang chạy điện.
Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải cho biết, hiện nay đã xong dự thảo đề án chuyển đổi 400.000 xe máy công nghệ chạy xăng sang chạy điện. Dự kiến trong tuần này, Viện Nghiên cứu Phát triển TP sẽ trình UBND TP để lấy ý kiến các đơn vị liên quan nhằm hoàn thiện các chính sách.
Theo đề án, nhóm phương tiện chuyển đổi chạy bằng nhiên liệu xăng sang điện, gồm: xe ôm công nghệ, xe taxi, xe buýt để chuyển đổi trước, vì đây là nhóm xả thải nhiều.
Đối với xe 2 bánh của người hành nghề shipper, xe ôm công nghệ theo thống kê có khoảng 400.000 chiếc, đến cuối năm 2029 sẽ đạt 100% chuyển từ xăng sang điện. Lý do nhóm xe này di chuyển mỗi ngày từ 80 – 120km/xe, thải khí ra môi trường nhiều hơn so với xe máy phục vụ mục đích cá nhân.

Xe 2 bánh chạy bằng xăng của người hành nghề shipper, xe ôm công nghệ thải khí ra môi trường nhiều hơn xe máy khác.
Về lộ trình chuyển đổi từ xe 2 bánh chạy nhiên liệu xăng sang điện, theo ông Lê Thanh Hải, trong đề án chia làm 4 giai đoạn: từ nay đến tháng 1/2026 phấn đấu đạt 120.000 xe; đến tháng 12/2026 đạt 200.000 xe; năm kế tiếp đạt 320.000 xe, và giai đoạn 4 đạt 400.000 xe theo kế hoạch.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế Lê Thanh Hải, trong đề án cũng kiến nghị lộ trình giảm giá bán xe điện trong 2 năm đầu, và cấm xe chạy bằng xăng hành nghề xe ôm công nghệ. TP Hồ Chí Minh cũng sẽ dành khoảng 10.000 xe 2 bánh chạy bằng điện để hỗ trợ cho tài xế xe công nghệ là người yếu thế, người thuộc hộ nghèo (thông qua Quỹ CEP cho vay thời hạn 24 - 36 tháng, hỗ trợ mỗi tài xế xe ôm công nghệ 8 triệu đồng).
Đồng thời, đề xuất miễn 100% phí trước bạ, phí đăng ký biển số, thuế giá trị gia tăng cho xe máy điện do tài xế công nghệ khi mua mới trong giai đoạn thực hiện đề án từ tháng 1/2026 – 12/2029. Đối với doanh nghiệp bán xe máy điện được đề xuất hỗ trợ giảm lãi vay 2%, doanh nghiệp được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, khuyến khích giảm giá cho người tiêu dùng.
Cần lấy ý kiến trên diện rộng để làm rõ nhiều thắc mắc
Còn theo Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Ngô Hải Đường, chuyển đổi xanh là một đề án nghiên cứu tổng thể bao gồm các nội dung: giao thông xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, hạ tầng đô thị xanh, lối sống xanh, nguồn nhân lực…

Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Ngô Hải Đường cho rằng, đề án giảm khí phát thải sẽ được lấy ý kiến của sở, ngành.
Đối với đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông (PTGT) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, trên cơ sở Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Xây dựng triển khai xây dựng đề án này theo 2 giai đoạn.
Theo đó, giai đoạn 1 xây dựng và tham mưu UBND TP trình HĐND TP Hồ Chí Minh ban hành quy định về lộ trình thực hiện chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh để áp dụng kể từ năm 2025. Giai đoạn 2, xây dựng hoàn thành đề án cho các PTGT. Trong đó, xem xét phương án lựa chọn một số khu vực để thực hiện kiểm soát phân vùng khí thải của PTGT.
Giai đoạn 1 đã đạt được kết quả là Sở Xây dựng đã đưa ra lộ trình chuyển đổi đối với xe buýt trên địa bàn TP Hồ Chí Minh với mục tiêu đến năm 2030 là 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh. Ban hành các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện xe buýt sang sử dụng điện, năng lượng xanh và hỗ trợ xây dựng trạm sạc điện. Lộ trình đầu tư phát triển các trạm sạc điện theo lộ trình chuyển đổi xe buýt.
Ở giai đoạn 2, đơn vị tư vấn đang triển khai xây dựng đề án với phạm vi là TP Hồ Chí Minh (mới), dự kiến hoàn thành đề án và lấy ý kiến các đơn vị trong quý III/2025, báo cáo UBND TP trình HĐND TP trong quý IV/2025, tập trung vào nhiều nhiệm vụ.

Từ tháng 1/2026, người hành nghề xe ôm công nghệ 2 bánh chạy bằng xăng tại TP Hồ Chí Minh sẽ chuyển sang xe điện.
Cụ thể, xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi và lộ trình đối với cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi PTGT từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh và lộ trình thực hiện là: xe taxi, xe công nghệ, xe hợp đồng, xe khách và xe tải, phương tiện cá nhân, ô tô và phương tiện thuộc quản lý bởi các đơn vị hành chính công, các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Đề án cũng tính toán, đề xuất lộ trình, các điều kiện, chính sách để thực hiện các nội dung như: quy hoạch không gian đô thị, các vị trí, công trình tích hợp trạm sạc, trạm thay pin hoặc điểm dừng đỗ cho xe điện; khả năng đáp ứng nguồn cung cấp năng lượng; các yêu cầu kỹ thuật trạm sạc điện; các quy định đầu tư, lắp đặt trạm sạc năng lượng khi xây dựng các khu đô thị, chung cư, các công trình tập trung đông người; các chính sách ưu đãi đầu tư phát triển hạ tầng trạm sạc điện…
Ngoài ra, còn có chính sách thu mua, đổi PTGT cũ sang PTGT mới sử dụng điện, xử lý phương tiện cũ để giảm ô nhiễm môi trường. Đo đạc, tính toán để đề xuất lộ trình, các giải pháp kiểm soát khí thải từ PTGT đường bộ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; gồm các biện pháp phân vùng, ưu tiên cho phương tiện sử dụng năng lượng xanh, hạn chế hoạt động PTGT cơ giới đường bộ sử dụng nhiên liệu hóa thạch khu vực trung tâm TP, huyện Cần Giờ, huyện Côn Đảo...
Bên cạnh đó, đề án cũng triển khai Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải; Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 12/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Với đề án của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đưa ra, người dân và dư luận rất quan tâm và hoan nghênh. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc về tính khả thi của đề án liệu có thàng công hay không vì tác động đến hàng trăm nghìn gia đình tài xế xe ôm công nghệ, đồng nghĩa liên quan cả triệu người nếu tài xế có vợ và con.
Ngoài ra, sau khi người hành nghề shipper và xe ôm công nghệ phải thay xe máy chạy bằng xăng sang điện, sẽ có khoảng 400.000 chiếc xe máy dư thừa của họ sẽ trở thành cái gì? Chưa kể, việc cùng lúc 400.000 chiếc xe máy của người hành nghề shipper, xe ôm công nghệ cắm sạc điện trong cùng một đêm thì liệu nguồn năng lượng có bị quá tải? Việc sạc điện có an toàn về phòng cháy chữa cháy hay không, khi phải sạc trong 8 tiếng buổi tối?

TP Hồ Chí Minh dự kiến trao quà cho 147.112 đối tượng chính sách
Kinhtedothi – Nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), TP Hồ Chí Minh dự kiến ttrao quà cho 147.112 đối tượng chính sách với 6 mức quà tặng.

TP Hồ Chí Minh sẽ phát triển y tế chuyên khoa tại đặc khu Côn Đảo
Kinhtedothi – Chiều 16/7, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Lộc dẫn đầu đoàn công tác gồm Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng và các chuyên gia đầu ngành về y tế của TP đã có buổi làm việc với đặc khu Côn Đảo nhằm tìm giải pháp phát triển y tế chuyên khoa tại địa bàn này.

TP Hồ Chí Minh đầu tư 7 tỷ USD phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam
Kinhtedothi – Để phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế (TCQT) Việt Nam, TP Hồ Chí Minh dự kiến đầu tư khoảng 172.000 tỷ đồng (tương đương 7 tỷ USD). Giai đoạn đầu cần 16.000 tỷ đồng hoàn thiện hạ tầng khu lõi Thủ Thiêm, trong đó dành 2.000 tỷ đồng xây dựng trụ sở cơ quan Nhà nước.