Chuyển đổi số đứng thứ 3 cả nước
Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2022 trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, TP đã rất quyết tâm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số (CĐS).
TP Hồ Chí Minh đã lập Ban Chỉ đạo CĐS do Chủ tịch UBND TP làm trưởng ban. Thành ủy cũng đã ban hành chỉ thị 17-CT/TU ngày 27/8/2022 về đẩy mạnh công tác CĐS và xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh. Nhờ vào sự lãnh đạo của Thành ủy - UBND TP Hồ Chí Minh, công tác CĐS của TP đạt kết quả xếp hạng 3/63 tỉnh, thành (tăng 2 hạng so với năm 2020). Nhiều ngành đã tăng tốc trong việc xây dựng nguồn dữ liệu phục vụ hiệu quả quản trị điều hành và cung cấp dịch vụ công, điển hình như dữ liệu hộ tịch, dữ liệu giáo dục, dữ liệu nền thông tin địa lý.
Đó là việc cấp bản sao trích lục kết hôn, khai sinh, khai tử, đăng ký nhận cha, mẹ, con từ dữ liệu số hóa sổ hộ tịch tại kho dữ liệu dùng chung TP cho người dân mà không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch, nơi cư trú. TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành số hóa 4 loại sổ hộ tịch với tổng số trên 12,8 triệu hồ sơ. Dữ liệu số hóa sổ hộ tịch đã được đồng bộ với cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp.
Cổng dữ liệu của TP tại địa chỉ https://data.hochiminhcity.gov.vn/, thực hiện chia sẻ dữ liệu cho các sở, ban, ngành... khai thác và sử dụng (đã triển khai thí điểm tại 7 phòng công chứng thuộc Sở Tư pháp; chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận 1 và quận 6). Triển khai và tích hợp dữ liệu về hệ thống thoát nước, chiếu sáng đô thị, công viên cây xanh, xử lý nước thải, lớp dữ liệu cầu, đường, tín hiệu đèn giao thông về kho dữ liệu dùng chung của TP.
Về kinh tế số, theo ông Lâm Đình Thắng, TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên đánh giá được đóng góp của kinh tế số trong GRDP trên địa bàn ở góc độ nghiên cứu khoa học. Theo đó, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số cho GRDP năm 2022 của TP đạt 15,38%, trong khi chỉ tiêu đề ra là 15%.
Tiếp tục hoàn thiện 5 nhóm nền tảng
Ông Thắng cũng đưa ra phương hướng và đề xuất chủ đề của năm 2023 “CĐS và xây dựng đô thị thông minh năm 2023” là dữ liệu số. Theo đó, cơ quan Nhà nước tập trung vào các hoạt động phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác, phân tích dữ liệu phục vụ xây dựng đô thị thông minh và thúc đẩy CĐS, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số với các định hướng trọng tâm mà ở đó người dân, doanh nghiệp (DN) chỉ cần cung cấp thông tin một lần cho cơ quan Nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
DN được khai thác dữ liệu, dữ liệu mở do cơ quan Nhà nước cung cấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Cơ quan Nhà nước sử dụng dữ liệu từ các hệ thống thông tin theo thời gian thực để hỗ trợ ra quyết định, giảm thiểu hoạt động báo cáo thủ công giữa các cấp.
Theo ông Lâm Đình Thắng, năm 2023 ngành TT&TT của TP Hồ Chí Minh tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, tiếp tục đưa vào vận hành thống nhất, hoàn thiện theo kế hoạch hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; hệ thống xác thực định danh, cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an cũng như các cơ sở dữ liệu quốc gia các bộ ngành; chữ ký số từ xa sẽ được tích hợp trên hệ thống để người dân và DN có thể ký trực tiếp vào các biểu mẫu điện tử, có giá trị pháp lý như chữ ký tay và con dấu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; triển khai ứng dụng di động thống nhất phục vụ người dân và DN.
Triển khai số hóa hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; triển khai kết nối, khai thác dữ liệu từ kho dữ liệu của TP đảm bảo nguyên tắc tổ chức, cá nhân chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan Nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Tiếp tục hoàn thiện và vận hành nhóm 5 nền tảng phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của TP. Cụ thể, hệ thống theo dõi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo thời gian thực; hệ thống giám sát việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua Cổng thông tin 1022; hệ thống theo dõi chỉ số năng lực cạnh tranh của các sở, ngành, địa phương - DCCI; hệ thống theo dõi mức độ CĐS của các sở, ngành, địa phương; ứng dụng công dân thống nhất của TP.
Năm hệ thống trên cùng với hệ thống giám sát việc xử lý sẽ cung cấp bộ công cụ cơ bản cho lãnh đạo, các cấp chính quyền TP chỉ đạo điều hành (hệ thống được chia sẻ cho toàn TP), các cơ quan dân cử giám sát bằng hệ thống công nghệ và dữ liệu khách quan. Đây cũng là những công cụ quan trọng để điều hành đô thị thông minh theo đề án của TP; theo đúng yêu cầu của lãnh đạo TP là quản trị trên các nền tảng số.
Để trở thành đô thị thông minh, cần làm nhiều việc
Cũng theo ông Lâm Đình Thắng, nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư, tiết kiệm, hạn chế trùng lắp, liên thông kết nối, kế thừa và đẩy nhanh tiến độ thực hiện CĐS, lãnh đạo các đơn vị cần đầu tư, triển khai CĐS; cần đồng bộ trên cơ sở của hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu dùng chung của TP.
Đặc biệt, triển khai chiến lược quản trị dữ liệu của TP, tập trung vào 3 nhóm dữ liệu: Nhóm dữ liệu phục vụ quản lý đất đai - đô thị; nhóm dữ liệu liên quan đến thông tin của người dân; nhóm dữ liệu về phát triển tài chính và DN. Tiếp tục thực hiện các nội dung triển khai kho dữ liệu dùng chung, trung tâm điều hành đô thị thông minh, trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, trung tâm an toàn thông tin TP Hồ Chí Minh.
Tập trung phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển đô thị thông minh và CĐS. Nghiên cứu giải pháp, cơ chế hình thành một trung tâm nghiên cứu và triển khai chính quyền số của TP Hồ Chí Minh. Trung tâm nghiên cứu và triển khai chính quyền số sẽ thực hiện nhiệm vụ tổ chức tư vấn các quận, huyện, sở, ngành thực thi chiến lược dữ liệu, nền tảng số phục vụ xây dựng chính quyền số nằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số theo chương trình CĐS và đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh.
Tổ chức lại hệ thống đánh giá chỉ số kinh tế số bài bản, khoa học, duy trì hoạt động thường xuyên. Thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS, góp phần hiệu quả phát triển kinh tế số của TP. Triển khai hiệu quả hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương để phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện CĐS, mà trước hết hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt.
Bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức về CĐS để thực hiện các nhiệm vụ được giao; kỹ năng ứng dụng công nghệ số và an toàn thông tin. Trong đó, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu để ra quyết định.
Cũng theo ông Lâm Đình Thắng, qua thực tiễn công tác CĐS cho thấy TP Hồ Chí Minh đang rất cần đổi mới công tác quản trị trong tình hình mới. Từ đổi mới công tác quản trị sẽ tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng trong tương lai.
Do đó, Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh đưa ra phương hướng từ nay đến năm 2025 là trong hoạt động CĐS để phục vụ cho đổi mới quản trị, yếu tố quan trọng hàng đầu và cần được đầu tư nguồn lực, sự tham gia của toàn bộ máy chính quyền chính là tạo lập, duy trì, khai thác và phát triển dữ liệu trong chiến lược quản trị dữ liệu. Trong đó tập trung cho các dữ liệu nền tảng về người dân, DN và quản lý đô thị.