Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TPP sẽ tồn tại dưới hình thức nào?

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau sự ra đi của Mỹ, 11 nước thành viên còn lại đang xem xét các khả năng cứu vãn Hiệp định TPP. Câu hỏi đặt ra là nếu tiếp tục, TPP sẽ tồn tại dưới hình thức nào?

Có thể là “TPP-1”
Ông Stephen Olson, nhà nghiên cứu của Hinrich Foundation - tổ chức nghiên cứu thương mại quốc tế đặt tại Hongkong (Trung Quốc) cho rằng, TPP được coi là "tiêu chuẩn vàng" của các hiệp định thương mại, là thỏa thuận đầu tiên trong thế kỷ XXI giải quyết các vấn đề kinh tế mà các hiệp định trước đây không nhắc tới như như kinh tế kỹ thuật số, DN nhà nước, môi trường, công đoàn...
 Các nước thành viên TPP trước khi Mỹ rút lui.
Hy vọng của 11 nước là tiếp tục tiến hành TPP với sự sửa đổi tối thiểu nhất có thể so với thỏa thuận ban đầu. Tuy nhiên, ông Olsen lưu ý, với các quy định hiện tại, TPP không thể có hiệu lực nếu không có Mỹ. Trong hình thức hiện tại, thỏa thuận yêu cầu phải có sự phê chuẩn của các nước chiếm ít nhất 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 12 thành viên. Trong khi đó, Mỹ đã chiếm ít nhất 60% GDP,  nên việc nước này rút khỏi TPP đã khiến Hiệp định không thể có hiệu lực.
“Việc tiến hành TPP-1 không đơn giản chỉ là gạch tên Mỹ ra khỏi danh sách và thông qua thỏa thuận. Điều này bắt buộc đòi hỏi một vài sửa đổi. Ít nhất, chúng ta hy vọng, nếu tất cả mọi sửa đổi diễn ra một cách trơn tru, TPP-1 có thể được thông qua vào cuối năm nay”, ông Olsen cho hay.
Cũng có thể là “TPP 5”
Tuy nhiên, với một số nước coi TPP như là “cầu nối” để tiến vào thị trường Mỹ như Malaysia, việc Mỹ rút khỏi TPP đã làm giảm đi giá trị của Hiệp định. Với các nước này, theo đuổi một hiệp định thương mại tự do với Mỹ được xem như lựa chọn thực tế hơn. Trong khi đó, 2 thành viên là Canada và Mexico đều có xu hướng nghiêng về ưu tiên đàm phán lại đối với Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mỹ.
 Bộ trưởng 11 nước thành viên còn lại trong cuộc họp hồi tháng 3/2017.
Điều này đặt khả năng nữa có thể xảy ra là “TPP 5" - bao gồm 5 quốc gia thúc đẩy TPP mạnh mẽ nhất là Nhật Bản, New Zealand, Australia, Singapore và Brunei. 5 quốc gia kể trên hy vọng gặp nhau tại một số điểm đảm bảo lợi ích trong thỏa thuận thương mại này. 
Trung Quốc thế chân Mỹ vào TPP?
Cho đến nay, kịch bản phức tạp nhất là tiến hành "TPP-1+1", đề cập đến khả năng có thêm nhiều nước tham gia vào thỏa thuận, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan, Indonesia. Nếu kịch bản này xảy ra, bắt buộc các nước thành viên phải thảo luận lại từ đầu một khối lượng đáng kể các quy định của Hiệp định và sẽ không có cách nào đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay.
"Thừa kế" một số điều khoản từ TPP
Ông Olsen cho biết, cũng có khả năng nếu TPP không còn tồn tại, một số điều khoản tiến bộ của Hiệp định có thể vẫn được áp dụng trong một số hiệp định thương mại khác của các nước. “Điều này được ví như việc nội tạng của người chết não vẫn được hiến cho người khỏe mạnh”, ông Olsen lý giải.
Đồng tình với ý kiến này, Gary Hawke - chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế New Zealand cho rằng, các nước có thể bỏ qua một số điều khoản về quy tắc xuất xứ hoặc sở hữu trí tuệ, nhưng cách tiếp cận xây dựng thể chế trong nước để tăng trưởng sáng tạo, bao trùm và bền vững mà các nước cam kết khi gia nhập TPP vẫn rất có ý nghĩa.
Lan Hương