Có nhiều khía cạnh để xem xét những ảnh hưởng của TPP: góc độ kinh tế, vai trò chính trị với các nước thành viên, ảnh hưởng địa chính trị thế giới và cơ sở để mở rộng những thỏa thuận kinh tế sâu hơn giữa các cường quốc
Góc độ kinh tế
Đầu tiên, TPP sẽ tự do hóa việc thông thương hàng hóa và dịch vụ nhờ miễn giảm thuế quan và các giới hạn đầu tư, đồng thời thúc đẩy minh bạch hóa giữa các quốc gia thành viên.
Những lĩnh vực kinh tế nhạy cảm như xe hơi, nông nghiệp giữa các quốc gia vốn được bảo hộ kỹ càng giờ sẽ lại mở cửa. TPP thúc đẩy những ưu tiên mang tên “nền kinh tế mới” như tự do hóa thương mại các sản phẩm công nghệ và đẩy mạnh truy cập internet giữa 12 nước thành viên, cũng như vấn đề bảo hộ quyền sáng tạo trong các nền công nghiệp cấp tiến như dược phẩm.
Hoàn tất TPP cũng là tiến trình quan trọng trong bối cảnh nhiều năm nay, tăng trưởng thương mại toàn cầu đã chững lại lớn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các nhà kinh tế học tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế dự đoán TPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng thêm 300 tỷ USD/năm.
Một cú sốc “tích cực” sẽ đến với các nước tham gia hiệp định, theo đó thúc đẩy cạnh tranh, mở rộng các thị trường của những đối tác thương mại then chốt để tạo lợi ích cho người tiêu dùng thông qua giá cả dịch vụ và hàng hóa thấp. Theo Đại diện Thương mại Mỹ, mỗi ngày nước này sẽ xuất khẩu 1,9 tỷ USD hàng hóa vào các nước thành viên TPP.
Dự kiến tới năm 2025, TPP cũng tăng thêm 140 tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu Nhật Bản và Mỹ với 123 tỷ USD. Bên cạnh đó, những quốc gia nhỏ hơn như New Zealand với nền công nghiệp bơ sữa hàng đầu thế giới cũng hưởng lợi lớn khi tiếp cận được thị trường Thái Bình Dương màu mỡ.
Chính trường suy chuyển
Quan trọng không kém so với những lợi ích thương mại, TPP cũng có ảnh hưởng lớn tới chính trường nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi hiệp định lịch sử này có thể sẽ giữ vai trò định hình nên di sản của ông Obama ngay vào thời điểm chỉ còn hơn một năm nữa là ông rời Nhà Trắng. Ứng cử viên nổi trội trong cuộc chạy đua chiếc ghế Tổng thống, bà Hilary Clinton từng tuyên bố ủng hộ các nghị sỹ cùng đảng chống TPP.
Do đó, mục tiêu hàng đầu trước mắt của ông Obama và các nghị sỹ ủng hộ TPP là hiệp định này vượt qua cửa Thượng viện Mỹ trước khi chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2016 áp đảo chương trình nghị sự.
Trước đó, nỗ lực của Tổng thống Obama nhằm đạt thỏa thuận TPP trong năm nay đã dẫn tới sự hợp tác hiếm hoi giữa Nhà Trắng với các nhà lãnh đạo phe Cộng hòa nhằm thông qua đạo luật đàm phán nhanh (TPA).
Theo TPA, Tổng thống Obama phải đợi 90 ngày sau khi đàm phán xong TPP mới có thể ký vào thỏa thuận và gửi lên Quốc hội để bỏ phiếu thông qua. Trong khoảng thời gian đó, văn kiện thỏa thuận phải được công khai trong vòng ít nhất 60 ngày.
Trong thời gian diễn ra vòng đàm phán TPP lần này, tính cấp bách của việc đạt thỏa thuận càng gia tăng bởi cuộc bầu cử diễn ra ở Canada vào tháng 6 tới. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng cho đây là “cứu tinh” cho tăng trưởng của Nhật Bản, chất xúc tác cho “3 mũi tên” cải cách kinh tế (Abenomics) của ông.
Ảnh hưởng địa chính trị và cơ hội đi sâu
Đối với ông Obama, TPP cũng là trọng tâm trong chiến lược xoay trục sang châu Á. Theo đó, Tổng thống Mỹ hiểu rằng ảnh hưởng của Washington tại châu Á sẽ được củng cố nhờ TPP thông qua việc thúc đẩy thịnh vượng và hòa bình. TPP sẽ củng cố quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật cũng như thắt chặt Washington trong mối giao hảo với các đối tác mới ở châu Á, trong đó có Việt Nam.
Đứng ngoài trong việc hình thành TPP, Trung Quốc được cho là đã mất đi cơ hội định hình một trụ cột quan trọng của hệ thống thương mại toàn cầu. TPP được cho là sẽ gây trở ngại cho những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thiết lập hướng đi cho khu vực.
Những nỗ lực này bao gồm khu vực tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương do Trung Quốc đề xuất, và Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) có trụ sở ở Bắc Kinh - một định chế đối thủ với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Tuy nhiên, TPP vẫn mở cửa với các thành viên tiềm năng như Trung Quốc và Ấn Độ. Tương tự, các quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan và Philippines cũng từng bày tỏ quan tâm đến việc tham dự TPP. Theo cách này, TPP có thể mở rộng, khởi xướng cho một thỏa thuận tự do thương mại khu vực kết nối các nền kinh tế Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.