Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trách nhiệm cùng vào cuộc

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các sở chuyên ngành cần phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện trên tinh thần trách nhiệm cao nhất để tháo gỡ, giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra. Đó là yêu cầu đã được lãnh đạo TP Hà Nội nhấn mạnh rất nhiều lần trong các chỉ đạo cũng như làm việc tại cơ sở.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì làm việc với lãnh đạo UBND huyện Hoài Đức về tình hình phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng năm 2022 chiều 23/9  
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì làm việc với lãnh đạo UBND huyện Hoài Đức về tình hình phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng năm 2022 chiều 23/9  

Tại cuộc làm việc của người đứng đầu chính quyền TP với hai huyện Hoài Đức, Đông Anh cũng thể hiện rõ tinh thần này. Từng kiến nghị, đề xuất cụ thể của các huyện đã giao trách nhiệm vào cuộc cho từng sở chuyên ngành và cũng chỉ khi có sự phối hợp ấy vấn đề mới có thể được giải quyết.

Tại các cuộc làm việc của lãnh đạo TP và cơ sở, hàng loạt kiến nghị, đề xuất liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ những vấn đề mang tính cơ chế chung, đến các vụ việc cụ thể của địa bàn sẽ được đề cập tới. Đó là chuyện rất bình thường, bởi đây chính là cơ hội để lãnh đạo hiểu địa phương đang vướng mắc gì và có những tháo gỡ cụ thể.

Trong hai cuộc làm việc của người đứng đầu chính quyền TP với hai huyện cuối tuần qua cũng vậy, gần 70 kiến nghị, đề xuất đã được các huyện nêu ra, từ liên quan đến cơ chế, chính sách về đội ngũ, nguồn lực tài chính, đến các kiến nghị về đầu tư, quy hoạch không gian ngầm, cấp nước, xử lý nước thải hay giải quyết vướng mắc ở từng dự án, công trình cụ thể…

Từng kiến nghị, đề xuất đều được người đứng đầu chính quyền TP đưa ra hướng giải quyết, phân công cụ thể về trách nhiệm của huyện, của các ngành liên quan. Có thể nói, những chỉ đạo rất rõ, cụ thể này là cơ sở để các đơn vị vào cuộc cùng thực hiện.

Thực tế tại Hà Nội, việc phối hợp giữa các sở, ngành với quận, huyện trong từng lĩnh vực, nhiệm vụ cụ thể được quy định rõ trong rất nhiều văn bản và thực hiện rất tốt. Nhiều công việc trôi chảy, nhanh cũng bởi sự phối hợp rất chặt trong lĩnh vực chuyên ngành và quản lý Nhà nước ở địa bàn. Nhưng vẫn có những thời điểm, những công việc, sự phối hợp thiếu chặt chẽ dẫn đến ách tắc, có nhiều vấn đề liên tục được quận, huyện đề cập tới như các dự án chậm, công trình dở dang...

Vừa qua, Hà Nội đã có Nghị quyết mới về phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội, đây là cơ sở để tăng tính chủ động cho quận, huyện. Như tại cuộc làm việc vừa qua, lãnh đạo TP cũng đã phân cấp, ủy quyền cho huyện thực hiện một số nội dung theo đúng quy định mới như đầu tư chợ, dự án xử lý nước thải.

Trong đó, dự án nhà máy xử lý nước thải Vân Canh, huyện đã bàn giao mặt bằng từ năm 2016 nhưng chưa được đầu tư, Chủ tịch UBND TP đã phân cấp, ủy quyền dự án này cho huyện Hoài Đức chủ động triển khai thực hiện, để đảm bảo tiến độ dự án hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2023. Chắc chắn, với tinh thần chủ động và nguyên tắc phân cấp, huyện sẽ bám việc để làm.

Nhưng cũng từ cuộc làm việc này cho thấy, có rất nhiều vấn đề khác tại địa bàn, nếu các sở chuyên ngành không phối hợp chặt chẽ sẽ không thể giải quyết được. Như vấn đề thiếu bác sĩ ở trạm y tế xã, rất cần Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ cùng vào cuộc. Rồi việc quy hoạch không gian ngầm, rất cần Sở QH-KT tham mưu phương án, quy hoạch ngầm tổng thể, có chuẩn về quy hoạch chung, tập trung làm nội đô trước rồi lan ra các vùng…

Ngay cả các lĩnh vực được phân cấp, ủy quyền, cũng vẫn cần các sở chuyên ngành hướng dẫn triển khai từng lĩnh vực cụ thể theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ có sự chủ động với lĩnh vực được phân công quản lý, sự cùng vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao mới giúp giải quyết dứt điểm vấn đề từ sớm, để cuộc làm việc sau không nằm trong danh sách “kiến nghị, đề xuất” nữa.