Bởi theo truyện thì trai làng Quyền “Lúc nhỏ mẹ nuôi. Lớn lên lấy vợ, vợ nuôi. Khi về già con dâu nuôi (vì con trai cũng ăn bám vợ)”…
Với đầu óc của đứa trẻ 15 tuổi khi ấy, tôi cũng chỉ thấy câu chuyện hay hay vậy thôi. Cho đến khi lập gia đình, mới thấy cuộc sống thật là vất vả.
Ở quê tôi từ xưa tới nay, lo cơm áo gạo tiền trong gia đình là chuyện của đàn ông, nuôi dạy con cái là việc của người đàn bà. Nếu gia đình nào cả hai vợ chồng cùng “song kiếm hợp bích” trong chuyện kiếm tiền, kinh tế chả mấy lúc mà như diều gặp gió…
Khi lớn lên tôi mới khám phá được rằng ở nhiều nơi ở vùng đồng bằng Bắc bộ, sự lo toan về kinh tế trong gia đình đều do một tay người phụ nữ. Đàn ông chỉ quanh quẩn trong làng, lo chuyện trà lá, cây cảnh, gà chọi…
Mà cả chứ gì đàn ông ngoài Bắc, nhiều làng quê Trung bộ, phụ nữ cả làng, cả xã đi xuất khẩu lao động, đàn ông chỉ ở nhà chăm con, chẳng phải gánh nặng kinh tế đặt lên vai phụ nữ?
Quay lại chủ đề “trai làng Quyền thời nay”, xin dẫn câu chuyện ở chốn tôi đang cư ngụ - hầu bạn đọc chơi.
Ở ngôi làng có tới gần nghìn nóc nhà (ngoài 2 vụ lúa), quanh năm người dân “góp mặt" tại những chợ tạm, chợ cóc nơi nội thành. Họ buôn từ thịt bò, thịt lợn đến gà vịt ngan ngỗng, củ lạc, củ khoai lang...
Mà ông trời kể cũng lạ, tại sao lại đẩy việc chợ búa cho đàn bà, phải chăng là thiên chức? Vậy nên từ khi làng này sinh ra nghề đi chợ, phụ nữ thì đầu tắt mặt tối, còn trai tráng thì chỉ ngồi chơi xơi nước.
Tờ mờ sáng hằng ngày, đàn bà con gái trong làng đã nai nịt gọn gàng “cưỡi” bình bịch, tỏa đi các chợ trong nội đô.
Ngược lại với đàn bà, sau giờ nhập học của trẻ con, đám đàn ông lại khá thảnh thơi, bởi ruộng nương, vườn tược chẳng mấy nả, nhà cửa thì quét mãi… nó cũng nhàm. Đám trai đinh sồn sồn rảnh việc, chỉ tập trung uống nước chè suông với nhau, chờ con tan trường - vợ tan chợ.
Do lâu ngày không động chân động tay vào công to, việc nhỏ, nhiều bậc tu mi nam tử của làng sinh lười.
Hằng ngày ngoài việc đưa đón con đến lớp, cánh nam nhân (phần nhiều ở lứa tuổi ông chửa ra ông, thằng chẳng ra thằng) tụ bạ với nhau trà lá giết thời giờ.
Chè chán thì rượu, bia. Mà rượu vào lời ra đã thành quy luật, cũng may chuyện “lời ra” của họ đều chỉ dừng ở màn karaoke khê nồng và ngang phè phè.
Kể cũng lạ, chị em phụ nữ ở cái làng này không những gánh vác hết chuyện nặng nhọc trong gia đình, mà còn chiều chồng như chiều vong. Mua quần áo, sắm xe đẹp gần như là “phong trào thi đua” giữa các bà vợ.
Vì vậy, các “ông trẻ” ngày nào cũng quần là áo lượt, lượn xe máy tay ga vè vè và thường xuyên tụ tập…
Chuyện này đã khiến tôi mở rộng tầm mắt, bởi trước đây khi đọc “Trai làng Quyền” của Nguyễn Địch Dũng, tưởng chuyện đàn ông ăn không ngồi rồi là do các bố nhà văn phịa ra.
Nào ngờ trong đời sống hiện tại, nhiều nơi đàn ông vẫn sướng như trong tiểu thuyết vậy, thật là đáng khâm phục!