Tràn lan TikToker bán hàng giả, PR lố
Không chỉ những người nổi tiếng, nghệ sĩ có sức ảnh hưởng, mà các TikToker, người buôn bán nếu kinh doanh hàng giả, PR sản phẩm lố vẫn bị xử lý.

Tiktoker Dưỡng Dướng Dường và TikToker Thủy Tiên từng bị xử phạt, thu hồi sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả gây xôn xao dư luận. Ảnh: cắt clip.
Tràn lan TikToker bán hàng giả
Nhiều vụ xôn xao về những người nổi tiếng là nghệ sĩ, KOL..., bán hàng giả, quảng cáo lố, sai sự thật ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng.
Mới nhất, sau vụ ồn ào một sản phẩm kẹo rau củ, một số người nổi tiếng như Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục đã bị cơ quan chức năng khởi tố, hoa hậu Thùy Tiên bị tạm hoãn xuất cảnh để điều tra.
Cũng liên quan đến vụ ồn ào kẹo rau củ, TikToker Phan Bảo Long (hơn 1,4 triệu lượt theo dõi) khiến dân mạng bức xúc khi từng có những phát ngôn thiếu kiểm chứng.
Chiều 10.4, Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết đã làm việc với TikToker Nguyễn An (chủ tài khoản Chú Cá Review Không Booking với hơn 866.000 lượt theo dõi) liên quan quảng cáo kẹo rau củ Kera.
Trước khi bị cơ quan chức năng khởi tố bắt tạm giam vào ngày 10.4, Tiktoker Dưỡng Dướng Dường ở tỉnh Quảng Nam cũng đã bị phạt 6 triệu đồng vì bán bột xông nhà và nụ trầm hương không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Vào tháng 10.2024, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) đã đột xuất kiểm tra và tiến hành tạm giữ kho hàng "khủng" chứa hơn 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ tại Hà Nội của TikToker "Phan Thủy Tiên" hơn 4 triệu lượt follow (theo dõi).
TikToker hay nghệ sĩ đều bị xử phạt như nhau
Trao đổi với phóng viên, luật sư Trương Văn Tuấn - Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn cho biết, ngoài xử lý người nổi tiếng quảng cáo sai, bán hàng giả thì những TikToker, người dân bình thường buôn bán trên mạng xã hội nếu bán hàng giả, quảng cáo lố vẫn bị xử lý theo đúng pháp luật.
Luật sư Tuấn phân tích: “Điểm b Khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự 2015 quy định "Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội”.
Vì vậy, người nổi tiếng hay người dân bình thường nếu buôn bán hàng giả, quảng cáo lố thì đều bị pháp luật xử lý ngang nhau tùy theo mức độ, tính chất và hậu quả của hành vi vi phạm".
Về hình thức xử phạt quảng cáo sai đối với TikToker hay người nổi tiếng, nghệ sĩ, luật sư Tuấn cho biết: "Theo khoản 7 Điều 109 Luật Thương mại số 36/2005/QH11 quảng cáo sai sự thật là quảng cáo thương mại bị cấm.
Khi cá nhân, tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, như sau:
“Phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng sự thật hoặc gây sự nhầm lẫn cho khách hàng.
Ngoài ra, người vi phạm còn phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 8 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Nghiêm trọng hơn, hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, bị cấm hành nghề hoặc làm một công việc nhất định từ 1 - 5 năm".
Về hành vi bán hàng giả, luật sư Tuấn phân tích thêm: "Buôn bán hàng giả là hành vi mua đi bán lại loại hàng hóa biết rõ là giả nhằm thu lời bất chính.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự, như trong trường hợp của Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục theo quy định tại Điều 193 Bộ Luật hình sự năm 2015 hiện hành quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, “Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm” có thể bị phạt tù từ 2 năm lên đến tù chung thân".
Để bán hàng, quảng cáo sản phẩm đúng pháp luật, theo luật sư Tuấn người bán hàng cần làm những việc sau: "Theo khoản 7, Điều 2 Luật Quảng cáo 2012, để tránh rủi ro pháp lý khi quảng cáo sản phẩm người phát hành quảng cáo phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 14 Luật Quảng cáo 2012, như sau: Kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo của tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần quảng cáo để cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm quảng cáo khi người tiếp nhận quảng cáo hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu...".
(Theo Laodong.vn)

Từ vụ kẹo rau củ Kera: Cảnh báo xói mòn đạo đức kinh doanh
Kinhtedothi - Vụ án liên quan đến kẹo rau củ Kera và Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục bị bắt đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự xói mòn đạo đức kinh doanh, sự vô trách nhiệm của người nổi tiếng với công chúng. Đây cũng là bài học cảnh báo người tiêu dùng từ việc tin vào quảng cáo sai sự thật thực phẩm chức năng trên mạng xã hội.

Vụ "Kẹo rau củ Kera" lên xu hướng tìm kiếm do những vi phạm nghiêm trọng
Kinhtedothi - Lượng tìm kiếm trên mạng của người Việt trong quý I/2025 tập trung mạnh mẽ vào các sự kiện chính trị xã hội quan trọng như tinh gọn bộ máy, sáp nhập các tỉnh, TP... Ngoài ra, vụ "lùm xùm" "kẹo rau củ Kera" cũng lên xu hướng tìm kiếm do những sai phạm nghiêm trọng.

Đắk Lắk: đề nghị xử phạt công ty sản xuất kẹo Kera hơn 224 triệu đồng
Kinhtedothi - Ngày 8/4, theo thông tin của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Asia Life (địa chỉ 18/99 Nguyễn Văn Linh, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuôt, tỉnh Đắk Lắk), đơn vị sản xuất kẹo rau củ Kera, tổng số tiền phạt hơn 224 triệu đồng.