Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trăn trở "giữ lửa" nghề gốm xưa

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Cơn lốc” của hàng gia dụng hiện đại với chất liệu đa dạng, mẫu mã phong phú đã đẩy làng gốm Phổ Khánh đứng trước nhiều thách thức để vừa “giữ lửa” được nghề xưa, vừa sống được với nghề.

Nghề truyền thống dần mai một

Nắng giòn tan, bà Mai Thị Hồng Tư (58 tuổi, thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) liên tay kéo đất, nặn gốm trên chiếc bàn chày bằng gỗ, tròn, to như cái mâm, có thể xoay quanh trục cố định. Đều đều mỗi ngày, bà chuốt được khoảng 70 sản phẩm với đa dạng thể loại.

Bà Mai Thị Hồng Tư là một trong số ít người ở Vĩnh An còn giữ nghề gốm truyền thống.
Bà Mai Thị Hồng Tư là một trong số ít người ở Vĩnh An còn giữ nghề gốm truyền thống.

“Mỗi loại sản phẩm có độ khó, dễ và cách nặn khác nhau. Nghề này chủ yếu chỉ làm vào mùa nắng, chuốt xong mang phơi khô cho có độ rắn, trắng đẹp rồi mới chất vào lò để nung” - bà Mai Thị Hồng Tư cho biết.

Nhà đông người, nhưng hiện chỉ còn mỗi bà Tư làm gốm. Các con, các cháu không ai chịu theo nghề. “Giờ người ta chuộng đồ nhôm, sành, sứ cao cấp, ít dùng gốm mộc nên nhiều người bỏ nghề, vào các công ty, nhà máy làm việc. Ai thích nghề, yêu nghề là tôi truyền dạy lại liền, chứ mất rồi tiếc lắm” - bà Tư buồn buồn.

Gắn bó với nghề gốm hơn 40 năm, bà Đặng Thị Mỹ cũng là một trong số ít người còn bám trụ với nghề “nặn đất”. “Làm gốm ấy mà, mỗi công đoạn làm gồm đều phải đúng kỹ thuật. Người thợ phải biết pha trộn nguyên liệu đất sét theo tỷ lệ 2 đất xanh, 8 đất vàng rồi nhào nặn, chuốt đều, công phu, tỉ mẩn mới tạo ra được sản phẩm đẹp và bền” - bà Đặng Thị Mỹ chia sẻ.

Gốm được phơi khô sau khi tạo hình.
Gốm được phơi khô sau khi tạo hình.

"Để có được sản phẩm vừa thanh và chín đều, vừa đẹp lại vừa bền, người thợ phải thận trọng trong từng công đoạn. Trước hết, phải chọn đất sét vàng, đất sét xanh đem về phơi thật khô. Sau đó đập, sàng lấy đất mịn, nhào nặn, tạo hình, chuốt, phơi khô rồi đem nung" - bà Đặng Thị Mỹ thủ thỉ.

Gốm Phổ Khánh đặc biệt ở chỗ hoàn toàn là gốm mộc, không sử dụng một loại nước men nào. Để có mẻ gốm đạt chất lượng, người thợ phải biết cách xem lửa và dừng đúng lúc. Thông thường, thời gian nung kéo dài từ 14 đến 24 tiếng.

Lò nung thủ công đỏ lửa từ 14 - 24 tiếng để cho ra mẻ gốm.
Lò nung thủ công đỏ lửa từ 14 - 24 tiếng để cho ra mẻ gốm.

Các cụ cao niên trong làng kể lại, nghề gốm Phổ Khánh đã có từ lâu đời, là nghề cha truyền con nối. Ông bà truyền cho cha mẹ, cha mẹ truyền lại cho mình, rồi lớp con mình nối tiếp. Sau 1975 - Giai đoạn hưng thịnh, gốm Phổ Khánh đã độc tôn tại phía Nam tỉnh Quảng Ngãi.

Thời đó, làng gốm Phổ Khánh có hơn 300 hộ dân làm nghề. Sau này, vì nguyên liệu làm gốm khan hiếm và nhu cầu thị trường giảm dần nên đồ gốm không còn được ưa chuộng như trước nữa. Làng gốm nức tiếng thuở nào giờ chỉ còn ngót nghét 10 hộ, tập trung tại thôn Trung Sơn và Vĩnh An (xã Phổ Khánh).

Hồi sinh nghề gốm 

Trước sự phát triển của đồ men, sứ, inox… nghề gốm có nguy cơ bị thất truyền, anh Nguyễn Tấn Hợp - Người con của Phổ Khánh quyết tâm “hồi sinh” nghề truyền thống của quê hương.

Để giảm thời gian sản xuất ra sản phẩm, tăng năng suất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, anh Hợp sử dụng nguyên lý quay của chiếc bàn xoay, dùng khuôn thạch cao để tạo hình sản phẩm. Những chiếc nồi đất làm từ máy đều tăm tắp, năng suất một ngày gấp đôi, gấp ba lần trước kia.

“Một người thợ lành nghề mỗi ngày chỉ làm được khoảng 70 - 90 sản phẩm. Nay nhờ cải tiến ở khâu tạo hình sản phẩm có khuôn, có máy, mỗi ngày, họ có thể làm được 200 sản phẩm với chất lượng vẫn được đảm bảo” - anh Hợp cho biết.

Cũng chung chí hướng giữ nghề gốm mộc như anh Hợp, anh Lê Trung Nam vừa áp dụng kỹ thuật hiện đại vào làm gốm, vừa duy trì chuốt hàng thủ công.

“Việc nặn, chuốt thủ công thì chỉ làm theo đơn đặt hàng, bởi đây là những sản phẩm hình dáng khác thường. Còn các loại sản phẩm gốm thông dụng thì đúc khuôn, hình thức đẹp hơn, đồng đều, da gốm láng mịn” - anh Nam chia sẻ.

Gốm thành phẩm được đưa đi tiêu thụ.
Gốm thành phẩm được đưa đi tiêu thụ.

Tại Phổ Khánh, hiện có hai lò gốm lớn, hoạt động sôi nổi là lò gốm An Khánh của anh Hợp và lò gốm của anh Nam. Thu nhập tuy không cao, nhưng với họ, giữ được nghề và sống được với nghề có lẽ là quá đủ.

 

Làng gốm Phổ Khánh là một trong những giá trị văn hóa quan trọng nằm trong không gian văn hóa Sa Huỳnh. Dựa trên các dấu tích còn sót lại tại đầm An Khê thì từ thời tiền sử, con người đã biết tận dụng nguồn nước ngọt tại đầm An Khê để sản xuất, dựa vào một nhánh chĩa của dãy núi Trường Sơn vươn ra biển để săn bắt, hái lượm. Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện nhiều mộ chum, mộ vò xung quanh đầm An Khê, đây là cơ sở khẳng định làng gốm Phổ Khánh có từ lâu đời.

Để giữ gìn, phát triển nghề truyền thống, chính quyền xã Phổ Khánh đăng ký gốm đây là sản phẩm OCOP. Đồng thời, vận động người dân đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; khuyến khích duy trì sản xuất thủ công song hành với sản xuất bằng máy, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa gìn giữ nghiệp tổ.

Dù nỗi lo thất truyền đã vơi đi, nhưng trăn trở của những người làm gốm Phổ Khánh hiện nay là vấn đề thương hiệu. Đây được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gốm Phổ Khánh kém sức cạnh tranh trên thị trường.

“Tỉnh cần quan tâm để gốm Phổ Khánh có thương hiệu, dễ cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ để đưa vào kết nối với các điểm du lịch ở Sa Huỳnh, tạo cơ hội cho làng gốm hồi sinh” - ông Phạm Kim Oanh - Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh trăn trở.