Tránh “bệnh thành tích”

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc khắc phục cho được tâm lý sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm và “chạy theo thành tích” là giải pháp quan trọng nhằm phát huy vai trò của các cấp uỷ, chính quyền, cũng như sự vào cuộc của đông đảo tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Ngày 28/7/2021, Quốc hội khoá XV đã ban hành Nghị quyết số 25/2021/QH15 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đây cũng là một trong 3 chương trình mục tiêu Quốc gia được Quốc hội khoá XV ban hành.

Nhằm thực hiện đồng bộ, thống nhất và có hiệu quả Nghị quyết số 25/2021/QH15 trên phạm vi cả nước, tháng 2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình, với tổng kinh phí tối thiểu (số làm tròn) là 196.332 tỷ đồng.

Kết quả giám sát giữa kỳ cho thấy Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT cho biết, cả nước hiện có 6.022/8.177 xã (chiếm tỷ lệ 73,65) đạt chuẩn nông thôn mới; 1.131 xã về đích nông thôn mới nâng cao, và 176 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Cả nước cũng đã có 263/644 đơn vị hành chính cấp huyện (chiếm tỷ lệ 40,8%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, 19 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã có 100% số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (trong đó có TP Hà Nội).

Quốc hội khoá XV và Chính phủ đạt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người dân khu vực nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Đây cũng là mục tiêu cốt lõi khi Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được Quốc hội và Chính phủ thông qua.

Theo đánh giá, việc triển khai Chương trình thời gian qua đã từng bước đi vào chiều sâu, hiệu quả, nhưng trên khía cạnh giảm nghèo thì còn thiếu bền vững; mức tăng thu nhập bình quân đầu người chưa được đánh giá thực chất. Cá biệt còn có tình trạng ở một số địa phương, để đạt mục tiêu về đích nông thôn mới đã “chạy theo thành tích” giảm nghèo đa chiều.

Phản ánh thực tiễn triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương cũng cho thấy, còn hiện tượng xã miền núi không đăng ký xây dựng nông thôn mới, người dân chưa muốn thoát nghèo do lo ngại sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội. Điều này đặt ra bài toán cần có các giải pháp cải tiến, điều chỉnh kịp thời trong thực thi cơ chế, chính sách.

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6, dự kiến vấn đề giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trong xây dựng nông thôn mới sẽ được Quốc hội khoá XV đưa ra thảo luận. Hơn ai hết, người dân tại những địa phương còn nhiều khó khăn kỳ vọng các đại biểu Quốc hội sẽ tìm ra hướng tháo gỡ điểm nghẽn nhằm nâng cao một cách thực chất, bền vững những tiêu chí quan trọng về chất lượng cuộc sống.

Để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 25/2021/QH15 và Quyết định số 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, vấn đề đặt ra là các bộ ngành, địa phương cần thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, tồn tại, hạn chế, để từ đó có những điều chỉnh về mục tiêu, cũng như xây dựng được hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn.

Cần sớm khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải trong đầu tư, nhất là hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế cho người dân khu vực nông thôn, đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh thực hiện các đề án, dự án, tiểu dự án thành phần, trọng tâm là đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, bền vững cho lao động nông thôn...

Đối với Quốc hội, bên cạnh tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nên chăng cần nghiên cứu, xem xét điều chỉnh và xây dựng một cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện đặc thù. Đồng thời, cần có giải pháp nhằm khắc phục cho được tâm lý sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, “chạy theo thành tích”, để từ đó phát huy hiệu quả nhất vai trò của các cấp uỷ, chính quyền cũng như sự vào cuộc của đông đảo tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.