Hôm thứ Hai, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vạch ra tầm nhìn chính sách cho nhiệm kỳ bốn năm tiếp theo nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới, đồng thời đề xuất ngân sách trị giá 7,3 nghìn tỷ USD cho năm nay nhằm đập tan những hoài nghi về khả năng điều hành nền kinh tế của mình.
Các đề xuất trong ngân sách cho thấy ông Biden đang muốn tăng hàng nghìn USD tiền thuế đối với các tập đoàn và người thu nhập cao nhằm giúp giảm thâm hụt cũng như tài trợ cho các chương trình hỗ trợ người thu nhập thấp, đặc biệt liên quan đến giải quyết gánh nặng chi phí nhà ở và chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, quốc hội khó có thể thực hiện như đề xuất.
Bắt đầu vào tháng 10 này, ngân sách của ông Biden cho năm tài chính 2025, gồm việc tăng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21-28%, buộc những người có tổng tài sản 100 triệu USD phải đóng ít nhất 25% thu nhập của họ.
Trong khi đó, chính phủ sẽ khôi phục Tín dụng Thuế dành cho Trẻ em – khoản giảm trừ thuế giành cho gia đình có trẻ em phụ thuộc – những người có thu nhập thấp và trung bình, tài trợ cho các chương trình chăm sóc trẻ em, cấp 258 tỷ USD cho việc xây nhà, cung cấp 12 tuần nghỉ phép gia đình có lương cho người lao động và chi hàng tỷ USD cho việc thực thi pháp luật.
Chủ tịch Hạ viện Đảng Cộng hòa Mike Johnson nhanh chóng bác bỏ đề xuất này, cho rằng nó quá liều lĩnh và xem thường trách nhiệm tài chính.
Ngân sách này được công bố vài ngày sau bài phát biểu Thông điệp Liên bang của Tổng thống Đảng Dân chủ tại thủ đô Washington. Ông Biden đã thẳng thắn công kích các khía cạnh của người tiền nhiệm Donald Trump, khả năng sẽ là đối thủ của ông trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Tổng thống đương nhiệm đã gặp khó trong việc làm giảm lo ngại của cử tri đối với tình trạng giá cả tăng cao cũng như hướng đi trong tương lai của nền kinh tế Mỹ. Theo một cuộc thăm dò hồi tháng 1 của Reuters, 40% người Mỹ cho rằng ông Trump sẽ điều hành nền kinh tế hiệu quả nhất, 31% ủng hộ ông Biden và 28% không đưa ra lựa chọn. Ông Biden đã tới bang bầu cử New Hampshire vào thứ Hai.
Trong khi đó, ông Trump lại muốn tăng mạnh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài và giảm các quy định thuế đối với nhà sản xuất năng lượng.
Hôm thứ Hai, cựu Tổng thống đã thể hiện rõ lập trường cắt giảm các chương trình An sinh xã hội và Medicare, khi cho rằng chúng đang hưởng những đặc quyền không cần thiết. Trong khi đó, ông Biden cam kết sẽ bảo vệ các chương trình này đến cùng.
Theo Đảng Dân chủ, việc cắt giảm thuế của ông Trump sẽ khiến gia tăng tình trạng thâm hụt, đồng thời nhận định cựu Tổng thống này đang thiên vị đối với người giàu.
Các chuyên gia cho biết đề xuất của ông Biden nhằm giảm mức thâm hụt ba nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm chỉ có thể làm chậm thay vì ngăn cản hoàn toàn mức tăng của khoản nợ quốc gia 34,5 nghìn tỷ USD. Nhà Trắng dự báo thâm hụt ngân sách sẽ đạt 18,1 nghìn tỷ USD trong năm tài chính 2025, tương đương với 6,1% GDP, trước khi giảm xuống dưới 4% trong một thập kỷ tới.
Ủy ban Ngân sách Thượng viện Hoa Kỳ cho rằng đây là sự khởi đầu đáng hoan nghênh, tuy nhiên khó có thể duy trì trong chặng đường dài.
Vào tháng 11, Nhà Trắng dự báo tăng trưởng GDP thực tế là 1,7% vào năm 2024, 1,8% vào năm 2025 và 2,2% vào năm 2030. Trong khi đó, lạm phát giá tiêu dùng được dự báo ở mức 2,9% vào năm 2024 và 2,3% vào năm 2025.
Trong quá khứ, ngân sách của Nhà Trắng chủ yếu dựa vào đề xuất của tổng thống đương nhiệm, tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra trong bối cảnh chính trị phức tạp như hiện nay.
Dù Mỹ đã bắt đầu năm tài chính 2024 được hơn 5 tháng (từ ngày 1/10/2023), Quốc hội nước này vẫn chưa phê duyệt 12 dự luật chi tiêu hàng năm của ngân sách liên bang, khiến một số cơ quan chính phủ phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa từ ngày 9/3.