Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tranh cãi về quyết định giải cứu Daewoo

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 5 phiên họp kéo dài hai ngày 17 - 18/4, nhóm chủ nợ của tập đoàn Daewoo đã thông qua phương án xử lý nợ của Tập đoàn đóng tàu Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering do chính phủ Hàn Quốc đề xuất.

Theo đó, tất cả các chủ nợ của “ông lớn” ngành đóng tàu Hàn Quốc sẽ cùng chia sẻ tổn thất với Daewoo. Trước đó, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) và Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Hàn Quốc, hai nhà băng nhà nước, đồng ý cho hãng đóng tàu trên vay 2,6 tỷ USD.

 Tập đoàn đóng tàu Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering.

Quan chức của Ngân hàng T.Ư Hàn Quốc cho biết, gói cứu trợ này cộng với gói cứu trợ trị giá 4.200 tỷ Won từ cuối năm 2015 là khoản cứu trợ lớn nhất được sử dụng chỉ để cứu một tập đoàn trong suốt một thập kỷ qua tại Hàn Quốc. Khoản tiền cứu trợ mới sẽ giúp Daewoo đáp ứng được 471 tỷ Won cho các quỹ hoạt động của tập đoàn đến cuối tháng 4, và cho phép các ngân hàng thương mại phát hành bảo lãnh hoàn trả trở lại cho các đơn hàng mà Daewoo giành được.

Tập đoàn đóng tàu đã bị dồn vào chân tường vì tác động của việc giá dầu xuống mức thấp lịch sử, làm chậm tiến trình thanh toán cho các cơ sở sản xuất ngoài khơi. Ước tình rủi ro nếu tập đoàn phá sản là 50.000 lao động mất việc làm và nền kinh tế bị mất đến hàng chục tỷ USD.

Việc chính quyền Seoul tung ra gói cứu trợ khổng lồ và tìm cách thuyết phục các chủ nợ không chỉ giúp Daewoo thoát khỏi nguy cơ phá sản mà còn là động thái giải cứu toàn bộ ngành công nghiệp đóng tàu - vốn là một trong những trụ cột phát triển kinh tế Hàn Quốc.

Trước đó, chính quyền của Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye đã bị chỉ trích vì bỏ mặc Hanjin - một tập đoàn vận tải biển ngụp lặn trong khó khăn, buộc phải xin phá sản và đẩy hàng chục ngàn nhân công rơi vào cảnh mất việc làm. Uy tín của Hàn Quốc trong ngành vận tải biển cũng bị sụt giảm đáng kể sau những lùm xùm liên quan đến Hanjin.

Tuy nhiên, nhiều người quan ngại, việc giữ “xác sống” tiếp tục thở đòi hỏi chi phí còn lớn hơn. Nghiên cứu được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố hồi tháng 1 cho hay DN “xác sống” - thuật ngữ chỉ công ty cũ gặp khó trong việc trả lãi nợ sẽ kìm hãm tăng trưởng của nền kinh tế.