Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trên 80% người nghiện và sử dụng ma túy được điều trị, cai nghiện

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hà Nội tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; duy trì các mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện tại nơi cư trú tại các xã, phường, thị trấn.

UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 26/1/2022 Phòng, chống ma túy trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022.

Bác sĩ khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người nghiện ma túy tham gia điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.
Bác sĩ khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người nghiện ma túy tham gia điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.

Hà Nội đặt ra chỉ tiêu điều tra, khám phá, xử lý hình sự 2.300 vụ án phạm tội về ma túy, trong đó có 1.150 vụ có tính chất mua bán trái phép chất ma túy; triệt xóa 100% điểm phức tạp về ma túy còn tồn tại đến cuối năm 2021; giữ ổn định các địa bàn, điểm phức tạp về ma túy đã giải quyết dứt điểm. Đồng thời, kịp thời phát hiện những điểm, tụ điểm có nguy cơ phát sinh để tập trung đấu tranh triệt xóa...

TP phấn đấn trên 80% số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng; lập 950 hồ sơ đề nghị tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thị xã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người sử dụng trái phép chất ma túy đi cai nghiện  tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy của TP. Bên cạnh đó là tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, phát triển các mô hình cai nghiện hiệu quả tại cộng đồng; duy trì các mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện tại nơi cư trú tại các xã, phường, thị trấn năm 2022.

Trong năm 2022, Hà Nội tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện điều trị thay thế bằng thuốc thay thế (Methadone/Buprenophine) tại các cơ sở điều trị Methadone. Trong đó, duy trì điều trị ổn định cho bệnh nhân đang tham gia điều trị Methadone/Buprenophine; triển khai, mở rộng các cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại các xã, phường, thị trấn theo nhu cầu thực tế của các quận, huyện, thị xã; phấn đấu giảm tỷ lệ bệnh nhân ngừng điều trị ra khỏi chương trình so với năm 2021 (năm 2021, toàn TP có 1.300 bệnh nhân ngừng điều trị Methadone).

Kế hoạch số 29/KH-UBND cũng đặt ra mục tiêu quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh hợp pháp các loại tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần, thuốc tân dược, thuốc thú y có chứa tiền chất ma túy; không để xảy ra vụ việc sản xuất trái phép ma túy hoặc trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn TP.

Để thực hiện những mục tiêu cơ bản trên, UBND TP Hà Nội đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện; tuyên truyền phòng, chống ma túy; đấu tranh tội phạm ma túy; quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy.

TP Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chuyển hóa địa bàn, xây dựng xã, phường, thị trấn “không có tệ nạn ma túy”; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng chống ma túy gắn với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, an toàn.

Cũng trong năm 2022, các địa phương, đơn vị đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác phòng, chống ma túy; đề xuất ban hành các chế độ đãi ngộ đặc thù, hợp lý cho lực lượng trực tiếp làm công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy.