Trị bệnh chây ì đóng bảo hiểm xã hội

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất việc các đơn vị, DN chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng BHXH vẫn tồn tại kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động (NLĐ).

Người dân làm thủ tục hành chính tại Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội. Ảnh Thanh Hải
Người dân làm thủ tục hành chính tại Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội. Ảnh Thanh Hải

Thống kê của BHXH Hà Nội cho thấy, tính đến hết tháng 2/2023, các cơ quan chức năng vẫn ghi nhận 87.000 đơn vị chậm đóng BHXH với tổng số tiền là 5.575 tỷ đồng, tăng hơn 1.552 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2022.

Thực tế cho thấy, tình trạng DN chậm, trốn đóng BHXH diễn ra phổ biến có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xử lý dứt điểm gặp khó khăn. Ngoài lý do khách quan do một số đơn vị, DN lâm vào cảnh khó khăn sau dịch Covid-19, vẫn có những trường hợp cố tình chây ỳ. Trong khi, mức xử phạt hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH theo quy định hiện hành còn nhẹ, nên chưa đủ sức răn đe.

Trước tình trạng vẫn còn nhiều DN chậm đóng BHXH, nhằm “siết” hành vi chậm đóng BHXH, mới đây, Hà Nội công bố các quyết định thanh tra DN chậm đóng BHXH trên địa bàn TP.

Đây là đợt công bố quyết định thanh tra liên ngành về BHXH đầu tiên của Hà Nội trong năm 2023. Bắt đầu từ ngày 21/3 đến hết 29/3, 3 đoàn thanh tra liên ngành của TP do Sở LĐTB &XH Hà Nội chủ trì tiến hành thanh kiểm tra 20 đơn vị chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của NLĐ từ ngày 1/1/2022 đến thời điểm thanh tra.

Liên quan đến vấn đề này, có ý kiến cho rằng, đóng đủ chưa chắc đã đúng, đóng thiếu chưa chắc đã sai. Do đó, các DN phải chủ động rà soát số người đóng, số tiền đóng BHXH để không bị vênh cao so với số chốt khi được thanh tra.

Tuy nhiên, trước những khó khăn đang gặp phải, một số DN bày tỏ, số tiền chậm đóng là tiền tính lãi từ những năm trước nên mong muốn dừng thanh tra hoặc được giảm tiền lãi chậm đóng BHXH…

Tuy nhiên, hiện nay, chưa có quy định về việc giảm lãi, khoanh nợ đối với các đơn vị chậm đóng BHXH mà các công ty còn phải chịu xử phạt vi phạm hành chính. Thậm chí Điều 214, 216 Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13 quy định về việc phạt tiền, phạt tù đối với tội gian lận BHXH, BHTN và tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ.

Và trong hoạt động thanh tra lần này lực lượng chức năng yêu cầu đơn vị, DN khắc phục ngay, triệt để những vấn đề tồn tại. Với số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, các đơn vị, DN cần hoàn thành dứt điểm 100%, không có chuyện khắc phục dần từng phần như trước đây.

Nhìn chung, các đơn vị trong danh sách thanh tra đều có sai phạm về việc chậm đóng BHXH. Do đó, sau khi công bố quyết định thanh tra, các đơn vị nếu không chủ động khắc phục số tiền chậm đóng, đoàn thanh tra sẽ lập biên bản để xử lý sai phạm. Trong năm 2023, liên ngành TP tiếp tục rà soát, thanh kiểm tra, xử lý nghiêm, không để tình trạng nợ đọng BHXH diễn ra kéo dài.

Cùng với các giải pháp đã, đang thực thi, để tăng tính nghiêm minh, các cơ quan chức năng đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến góp ý, các cơ quan chức năng đề xuất một số giải pháp “mạnh tay”, nâng mức phạt DN chậm đóng, trốn đóng BHXH để tạo niềm tin cho NLĐ.

Đơn cử như người sử dụng lao động phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên tổng số tiền trốn đóng (tương tự như tiền chậm nộp thuế hiện nay), cao hơn nhiều so với số tiền tính lãi từ khoản tiền chậm đóng, trốn đóng đang áp dụng...

Việc chậm, trốn đóng BHXH không phải là câu chuyện mới mà là “căn bệnh” nhức nhối nhiều năm qua nên cần phải có “thuốc đặc trị”, nhằm đưa việc đóng BHXH vào quỹ đạo, nề nếp, qua đó bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần